Hotline: 028 363 66 229

Rau, cá, tôm trong chuỗi thực phẩm an toàn cũng dính hoạt chất ngoài danh mục

 

Tôm tươi
Rau, củ, quả, thủy sản… nằm trong chuỗi thực phẩm an toàn còn chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh.
 

Chiều 29-10, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM có buổi làm việc với một số sở, ngành trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Không ít rau, củ, quả, cá, tôm… nằm trong chuỗi thực phẩm an toàn còn chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh là vấn đề được nhiều người chú ý.

Dính hoạt chất ngoài danh mục

Báo cáo của Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM cho thấy trong năm 2019, cơ quan này lấy 110 mẫu sản phẩm thủy sản nguyên liệu và sơ chế tại 35 địa điểm thuộc 20 cơ sở đăng ký tham gia chuỗi thực phẩm an toàn để giám sát các chỉ tiêu. Trong đó, 100 mẫu thủy sản nuôi (tôm, cá, cua) và thủy sản đánh bắt (cá biển) được giám sát các chỉ tiêu kháng sinh như chloramphenicol, ciprofloxacin, enrofloxacin, malachite green, trifluralin và kim loại nặng (cadimi, chì, thủy ngân). Kết quả 17 mẫu (17%) phát hiện tồn dư kháng sinh.

Cũng trong năm 2019, Ban quản lý ATTP TP.HCM lấy 250 mẫu rau, củ, quả tại 10 cơ sở sản xuất và 32 cơ sở kinh doanh nằm trong chuỗi thực phẩm an toàn để phân tích các chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả 36 mẫu (hơn 14%) không đạt.

Các loại rau, củ, quả dính tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gồm húng cây, cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh, mồng tơi, rau dền, củ cải trắng, rau muống hạt…

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, cho biết đến nay ban đã ký kết phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản cho các cơ sở trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa TP.HCM và các tỉnh Long An, Lâm Đồng, Bình Thuận, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Thông qua việc ký kết, các sản phẩm trong chuỗi thực phẩm an toàn được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh.

Chưa mang lại hiệu quả trọn vẹn

“Việc quản lý, sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản của một số cơ sở tuy có nhiều chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao. Điển hình enrofloxacin, ciprofloxacin là thuốc thú y cho phép dùng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, người nuôi trồng thủy sản lại sử dụng vào mục đích phòng trừ bệnh trên cá, tôm, cua. Bên cạnh đó, người trồng rau, củ, quả chưa cập nhật kịp thời và không hiểu rõ quy định của pháp luật liên quan đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, vẫn còn xảy ra tình trạng rau, củ, quả chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc cấm sử dụng” - bà Lan nói.

“Từ kết quả phân tích các chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh trên rau, củ, quả, thủy sản nằm trong chuỗi thực phẩm an toàn, Ban quản lý ATTP TP.HCM có văn bản đề nghị cơ sở có mẫu giám sát không đạt giải trình nguyên nhân và biện pháp khắc phục” - bà Lan nói thêm.

 “Thời gian qua, việc phối hợp quản lý ATTP trên địa bàn TP.HCM giữa các sở Công Thương, Y tế, NN&PTNT và Ban quản lý ATTP mang lại hiệu quả nhưng chưa thực sự trọn vẹn” - ông Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, nhận định.

Theo ông Phong, điều đáng quan tâm là rau, củ, quả, tôm, cá… nằm trong chuỗi thực phẩm an toàn vẫn còn chứa dư lượng kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật. “Ban quản lý ATTP TP.HCM được giao trách nhiệm đảm bảo thực phẩm đến tay người tiêu dùng trên địa bàn TP phải an toàn. Do vậy, ban cần cùng các sở, ngành liên quan tìm các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề tồn tại nói trên” - ông Phong nói.

Trần Ngọc Pháp Luật Online