Hotline: 028 363 66 229

Giải pháp cân bằng pH trong nuôi trồng thủy sản

pH là một trong những yếu tố môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng, tỷ lệ sống và khả năng kháng bệnh của động vật thuỷ sản. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp một số biện pháp cân bằng pH trong ao nuôi.

Ảnh hưởng của pH đến nuôi trồng thủy sản

pH là chỉ tiêu đo độ hoạt động của ion hydro (H+) trong nước hay thể hiện tính axit hay bazo của nước. Do đó, mức pH trong ao nuôi có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, tỷ lệ sống, khả năng kháng bệnh, dinh dưỡng… của động vật thủy sinh.

Trong nuôi trồng thủy sản pH thích hợp dao động trong khoảng từ 6,5-8,5 (riêng đối với tôm thích hợp nhất là 7,5-8,5), vì vậy khi pH môi trường biến động quá cao hoặc quá thấp sẽ có thể gây chết tôm, cá.

Khi pH quá thấp (pH < 5.5): khả năng tích trữ khoáng trong cơ thể động vật thủy sản giảm thấp khiến tôm bị mềm vỏ hoặc gây tác hại trực tiếp đến chất nhờn trên da cá, đồng thời nồng độ H2S tăng cao gây ngộ độc cho vật nuôi.

Khi pH quá cao (pH > 8,5): môi trường này sẽ làm cho động vật trao đổi chất nhiều hơn nên chậm phát triển, đồng thời làm tăng nồng độ amoniac gây hại cho tôm, cá. Ngoài ra, khi pH quá cao sẽ làm trong nước, khó gây màu, thủy sinh vật dưới đáy phát triển tạo ra biến động pH trong ngày lớn.

Các nguyên nhân làm tăng hoặc giảm pH trong nước

  • Biến động CO2 là nguyên nhân chính gây tăng giảm pH trong ao nuôi. Thực vật phù du và tảo quang hợp vào ban ngày lấy CO2 và quá trình hô hấp vào ban đêm sẽ giải phóng CO2. Khi tảo phát triển mạnh dễ gây hiện tượng nở hoa, làm độ pH trong nước ao biến động lớn.
  • Phản ứng nitrat hóa của vi khuẩn làm giảm kiềm trong nước gây biến động pH
  • Đặc tính nền đất: đất nhiễm phèn, pH thấp, dễ biến động do trong quá trình oxy hóa pyrite thành jarosite tạo ra rất nhiều H+ làm giảm pH của nước.
  • Thời tiết: Mưa kéo dài rửa trôi phèn, làm giảm pH

Phương pháp cân bằng pH trong ao nuôi

pH thường thấp nhất vào sáng sớm, đạt cực đại vào đầu giờ chiều và giảm dần cho đến tối, vì vậy cần phải kiểm tra độ pH trong ao 2 lần/ngày.

Ổn định pH trong ao bằng cách gây màu nước, kiểm soát tảo, ổn định độ kiềm từ 120-160mg/L.

Cách tăng pH trong ao

  • Dùng vôi tôi Ca(OH)2 liều 5-10kg/1000m3, nước vôi trong hoặc soda để ổn định pH
  • Sử dụng máy sục khí cường độ mạnh, chạy liên tục
  • Thường xuyên xử lý chất thải hữu cơ trong ao, hạn chế lá cây rơi xuống ao để pH không bị giảm quá thấp

Cách giảm pH trong ao

  • Dùng rỉ mật đường 1-3kg/1000m3 kết hợp men vi sinh tạt đều khắp ao, đồng thời cho chạy quạt khí
  • Dùng axit citric pha với nước cũng là cách giảm độ pH trong ao nuôi được sử dụng nhiều hiện nay. Tuy nhiên, tác dụng giảm pH của axit citric khá cao và hàm lượng lớn có thể ảnh hưởng thủy sản nên cần được tính toán sử dụng hợp lý.
  • Sử dụng phèn nhôm có thể làm giảm pH trong nước mà không làm ảnh hưởng đến điều kiện môi trường khác

Thu Hiền (Tổng hợp)

Nguồn: Báo Người Nuôi Tôm