Hội chứng phân trắng trên tôm: Dự báo mầm bệnh vi bào tử trùng EHP?
Hội chứng phân trắng (WFS) đề cập đến sự xuất hiện của các sợi phân trắng trong ao nuôi tôm sú (Penaeus monodon) và tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) ở các nước Đông Nam Á. Hội chứng có liên quan đến một số vấn đề ở cấp độ trang trại, bao gồm tôm chậm phát triển, kích cỡ không đồng đều, giảm ăn và chết rải rác.
Ở các quốc gia mà bệnh WFS được báo cáo thì cũng có các mầm bệnh đường ruột khác ảnh hưởng đến gan tụy của tôm bao gồm bệnh vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính gây ra do Vibrio parahaemolyticus (VpAHPND) và hoại tử gan tụy (SHPN) do Vibrio sp. Hình 1 cho thấy các nước Đông Nam Á là nơi mà hội chứng phân trắng WFS và các bệnh đường ruột khác được báo cáo.
Hình 1: Phân bố các bệnh đường ruột bao gồm: Hội chứng phân trắng (WFS), Vi bào tử trùng (EHP), Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) và Hoại tử gan tụy (SHPN) ở các nước Đông Nam Á. Ảnh: Aquaculture Alliance
Bệnh do vi bào tử trùng (EHP) đã trở thành một mối đe dọa đối với ngành công nghiệp tôm ở Đông Nam Á. Vi bào tử trùng này ký sinh trong gan tụy và ruột giữa của tôm, bệnh ảnh hưởng đến tôm thẻ chân trắng nuôi chủ yếu ở một số nước Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia. Các dấu hiệu lâm sàng chính của tôm bị nhiễm EHP là chậm lớn. Trong giai đoạn nặng hơn, tôm nhiễm EHP thường bị vỏ mềm, lờ đờ, giảm ăn và đường ruột trống rỗng.
Một số ấn phẩm đã quy cho nguyên nhân của hội chứng phân trắng WFS là do nhiều nguyên nhân bệnh khác nhau bao gồm vi khuẩn Vibrio cholera, loài giống nguyên sinh động vật Gregarines, Bacilloplasma sp. và Phascolarctobacterium sp. Người ta cũng đề xuất rằng vi bào tử trùng EHP không phải là tác nhân gây ra hội chứng phân trắng WFS. Dựa trên những khác biệt liên quan đến WFS, các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu có hệ thống để xác định mối quan hệ giữa WFS và bệnh vi bào tử trùng EHP ở hai khu vực khác nhau trên thế giới là Đông Nam Á và Mỹ La Tinh – nơi bệnh EHP đã được báo cáo.
Phần đầu tiên của công việc được thực hiện tại một quốc gia châu Á có lịch sử EHP và WFS. Các mẫu được thu thập từ các ao nuôi bị nhiễm WFS và không nhiễm WFS. Các mẫu gan và phân tôm đã được thu thập để phân tích mô học và qPCR.
Hình 2: Các mẫu tôm biểu hiện phân trắng WFS (phía trên bên trái); Sự đổi màu trắng của đường ruột tôm được quan sát (phải); Gan tụy biểu hiện nhiễm phân trắng cho thấy sự biến dạng nghiêm trọng và sự melanin hóa của ống gan tụy (phía dưới bên trái).
Mô gan tụy của tôm từ mỗi ao nuôi được phân tích riêng bằng PCR định lượng (qPCR). Kết quả đã cho thấy tôm nhiễm EHP ở nhóm có dấu hiệu phân trắng cao hơn so với tôm không nhiễm WFS. Điều này chỉ ra rằng tôm bị bệnh WFS có thể có khả năng lây nhiễm EHP cao hơn tôm không bị WFS.
Vai trò của hoại tử gan tụy SHPN với WFS
Ở cả Đông Nam Á và Châu Mỹ Latinh nơi hội chứng phân trắng WFS đã được báo cáo, EHP không phải là mầm bệnh duy nhất liên quan đến hội chứng phân trắng WFS. Tôm được phân tích mô bệnh học nhuộm H&E cho thấy ngoài EHP còn có các tổn thương của hoại tử gan tụy SHPN (Hình 6).
Hình 6: Các tổn thương hoại tử gan tụy (SHPN) trên tôm thẻ trong ao có biểu hiện phân trắng WFS.
Hoại tử gan tụy (SHPN) là một bệnh vi khuẩn gây ra chủ yếu bởi Vibrio spp. cả chủng gây bệnh hoặc cơ hội. Vibrio spp. cơ hội luôn ở trong gan tụy của tôm và khi một mầm bệnh đường ruột gây ra các tổn thương ở gan tụy sẽ là điều kiện để những chủng Vibrio này có được chỗ để xâm chiếm gan tụy và gây ra hoại tử gan tụy.
Các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ giữa WFS, EHP và SHPN trong các ao nuôi tôm đó là hội chứng phân trắng WFS là một phản ứng sinh lý có thể có ở tôm bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp của các mầm bệnh đường ruột và các yếu tố môi trường có thể chưa biết.
Hình 7: Sự kết hợp của mầm bệnh đường ruột, Vibrio spp. cơ hội và các yếu tố/căng thẳng từ môi trường chưa biết có thể gây ra hội chứng phân trắng WFS ở các vùng có dịch EHP.
Từ nghiên cứu này cho thấy có mối liên quan chắc chắn giữa Hội chứng phân trắng (WFS) và bệnh vi bào tử trùng (EHP). EHP kết hợp với các mầm bệnh đường ruột khác (bao gồm SHPN) và một yếu tố môi trường không xác định có thể gây ra Hội chứng phân trắng. Ở những vùng có dịch EHP, tôm có dấu hiệu lâm sàng của Hội chứng phân trắng WFS cho thấy dấu hiệu cảnh báo tôm nhiễm bệnh vi bào tử trùng EHP trong các ao nuôi tôm.
Tác giả: Luis Fernando Aranguren, Ph.D. Hung Mai, Ph.D. Orlando Pichardo, B.Sc. Bambong Hanggono Arun K. Dhar, Ph.D.
Theo BioAqua