Các giải pháp quản lý ao nuôi tôm trong giai đoạn nắng nóng
Tôm sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ 26-32oC, do đó khi nhiệt độ trên 330C sẽ làm tôm bị sốc môi trường, sức khỏe yếu dễ bùng phát dịch bệnh. Bên cạnh đó tôm hoạt động nhiều, tiêu hao năng lượng, tiêu thụ thức ăn nhiều dẫn đến chất thải nhiều hơn. Để tạo môi trường thuận lợi cho ao nuôi trong điều kiện nắng nóng, người nuôi tôm cần hiểu rõ và nắm được các giải pháp phòng chống thích hợp.
Ảnh: Trúc Anh Biotech
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay, người nuôi tôm cần tăng cường vitamin, khoáng chất,… nhằm giúp tăng sức đề kháng cho tôm chống chọi với điều kiện nắng nóng.
– Thường xuyên kiểm tra mực nước trong ao nuôi và kịp thời bổ sung khi thấy mực nước trong ao không đảm bảo, lưu ý khi lấy nước vào ao cần thông qua túi lọc bằng vải kate (đường kính 0,6m, dài từ 10-15m) để hạn chế mầm bệnh bên ngoài có thể xâm nhập vào ao nuôi. –
Theo dõi chất lượng nước ngoài kênh (mực nước, tình hình dịch bệnh xung quanh,…) trước khi cấp vào ao nuôi. Cần bố trí ao lắng/ ao chứa nước để chủ động trữ nước và cấp vào ao nuôi khi cần thiết.
– Tăng cường theo dõi yếu tố môi trường, sức khỏe tôm nuôi (đặc biệt đối với tôm nuôi giai đoạn từ 1 – 2 tháng tuổi). Kiểm tra, duy trì các yếu tố môi trường trong khoảng thích hợp: Nhiệt độ từ 26 – 32oC, pH từ 7,5 – 8,5 (chênh lệnh ngày và đêm không quá 0,5); độ mặn 8 – 15‰ (vùng sản xuất tôm – lúa), oxy hòa tan > 4 mg/L, độ kiềm 80 – 160 mg/L, khí độc NH4 /NH3 và NO2 – < 0,1 mg/L.
Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước của ao nuôi thông qua màu nước: Nếu màu nước trong ao là xanh đọt chuối (tảo lục) và màu vàng nâu (tảo khuê) là nước tốt, nếu nước không có 02 màu trên thì cần thay nước và bổ sung phân hữu cơ. Xác định mật độ tảo thông qua độ trong: Nếu độ trong từ 0,3 – 0,4m là tốt, nếu độ trong dưới 0,2m thì cần thay nước, nếu độ trong trên 0,4m thì cần bổ sung phân hữu cơ.
– Sử dụng màn lưới đen, chống nắng căng phía trên mặt ao để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm tăng nhiệt nước ao, tránh gây sốc cho tôm.
– Tăng cường sục khí trong ao để hàm lượng oxy được cung cấp đủ ở mọi tầng nước. Hạn chế dùng chài, vó đánh bắt kiểm tra tôm vào ngày nắng nóng để hạn chế hiện tượng đục cơ trên tôm. Định kỳ xiphông nền đáy ao nhằm giảm lượng mùn bã hữu cơ trong ao, hạn chế sự phát sinh các khí độc ảnh hưởng đến tôm.
– Bên cạnh đó, người nuôi nuôi cũng cần quan tâm đến quản lý và tạo thức ăn tự nhiên trong ao nuôi bằng cách sử dụng chế phẩm vi sinh định kỳ 7 ngày/lần để làm sạch môi trường, nền đáy ao, duy trì màu nước và phân hủy mùn bã hữu cơ, tạo thức ăn tự nhiên và ổn định môi trường nước trong vuông nuôi tôm.
Hảo Mai
Nguồn: Tạp chí Người nuôi tôm