Hiện tượng tôm lột vỏ và những điều cần biết
Giáp xác nói chung, tôm thẻ chân trắng nói riêng, tăng trưởng, gia tăng kích thước chiều dài, trọng lượng thân, thông qua hoạt động lột vỏ (lột xác) định kỳ.
Quá trình tôm lột vỏ
Tuỳ theo kích cỡ, trọng lượng thân, thời gian nuôi, chu kỳ lột vỏ khác nhau. Thường tôm nuôi 30 ngày đầu, trọng lượng thân ≤ 1,5 g/con, tôm lột xác hàng ngày hoặc 2-3 ngày lột xác/lần.
Tôm nuôi 60 ngày, trọng lượng thân 4 -7 g/con, 3 - 5 ngày tôm lột xác/lần, đến mỗi tuần/lần. Nuôi đến 90 ngày, trọng lượng thân 12 - 20 g/con, 9 - 10 ngày, tôm lột xác/lần. Tôm lớn ≥ 20 g/con, chu kỳ lột vỏ càng dài (≥ 10 ngày/lần). Sau lột vỏ, tôm tăng 3 – 4% trọng lượng cơ thể.
Tuỳ theo trọng lượng, sức khoẻ tôm, chất lượng môi trường…vỏ tôm sẽ cứng lại sau vài giờ hoặc 1 – 2 ngày.
Quá trình lột vỏ của tôm thẻ chân trắng, chịu tác động, ảnh hưởng, bởi nhiều yếu tố, được biết đến như thời tiết, dinh dưỡng, chất lượng thông số môi trường nước nuôi, hàm lượng khí độc trong ao, dinh dưỡng, sức khoẻ tôm nuôi, dịch bệnh…Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh công nghệ cao, do mật độ thả nuôi dày, các yếu tố trên sẽ tác động rất lớn, gây ảnh hưởng đến quá trình lột vỏ của tôm.
Yếu tố ảnh hưởng quá trình lột vỏ của tôm
Các yếu tố như chất lượng tôm nuôi, thời tiết, khí độc, thông số môi trường, dinh dưỡng, dịch bệnh, kỹ thuật nuôi…tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lột vỏ của tôm thẻ chân trắng.
Tốc độ lột vỏ, thời gian lột vỏ theo chu kỳ, theo trọng lượng, theo kích thước tôm. Thời điểm lột vỏ, thời gian cứng vỏ… chịu chi phối bởi các yếu tố trên và sức khoẻ tôm nuôi.
Thời tiết diễn biến bất thường, làm thay đổi đột ngột hàm lượng thông số môi trường nước ao nuôi như biến thiên pH, nhiệt độ, oxy. Sự dao động của độ kiềm, độ mặn, phèn, kim loại nặng... Sự chênh lêch các yếu tố trên trong ao nuôi, giữa sáng, trưa, chiều, tối, gây stress cho tôm, gây bất lợi cho quá trình lột vỏ.
Thời tiết diễn biến bất thường, làm thay đổi đột ngột hàm lượng thông số môi trường nước ao nuôi ảnh hưởng xấu khi tôm lột vỏ. Ảnh: Tép Bạc
Hàm lượng, thông số, các chất trên trong nước ao nuôi thiếu hoặc dư thừa, trực tiếp ngăn cản quá trình lột vỏ của tôm diễn ra. Nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường độ mặn thấp (< 10%), cá biệt hơn, nhiều vùng nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay, nước không có độ muối.
Thường ở những vùng nuôi độ mặn thấp, độ kiềm thường thấp (≤ 100 mg/lít), khí độc NO2 thường tăng cao vượt ngưỡng cho phép (> 1 mg/lít), bà con nuôi tôm rất khó kiểm soát khí độc này. Tôm nuôi trong môi trường nước có độ mặn thấp, thường có hiện tượng khó lột vỏ, tôm bị mềm vỏ kéo dài, tôm lột xác dính vỏ, tôm lột xác lâu cứng vỏ. Tôm nuôi trong môi trường độ mặn thấp, dễ bị bệnh đốm đen. Tôm chết lai rai, chết rớt cục thịt, tôm yếu dần, giảm ăn, tăng trưởng chậm, số lượng chết tăng dần theo thời gian, nếu việc xử lý không hiệu quả.
Từ tháng nuôi thứ hai trở đi, hàm lượng khí độc như NH3, H2S, NO2 tăng cao, vượt ngưỡng (NH3 > 0,3 mg/lít; H2S > 0,03 mg/lít; NO2 > 1 mg/lít) ảnh hưởng trực tiếp đến việc lột vỏ.
Tảo độc như tảo mắt, tảo giáp, hình thành trong ao nuôi, lấn át tảo có lợi như tảo khuê, tảo lục…làm hư nước, tác động xấu đến quá trình lột vỏ. Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định đến hiệu quả quá trình lột vỏ của tôm. Thông qua quản lý thức ăn, việc một số bà con cho tôm ăn định lượng không chính xác, dễ làm dư thừa thức ăn hoặc cho ăn thiếu lượng.
Mặt khác, khi người nuôi sử dụng thức ăn thiếu chất dinh dưỡng như đạm thấp < 40% đặc biệt là đạm tiêu hoá. Thành phần nguyên liệu trong thức ăn thiếu các acid amine thiết yếu, acid béo thiết yếu, hoặc người nuôi sử dụng thức ăn có thành phần nguyên liệu bổ xung năng lượng thấp.
Sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm không hợp lý, thành phần nguyên liệu không phù hợp quy trình nuôi, mật độ thả nuôi, giai đoạn nuôi, trọng lượng tôm, tuổi tôm, điều kiện môi trường, mùa vụ…
Quản lý môi trường nuôi không hiệu quả, tôm dễ nhiễm bệnh, tôm ăn yếu hoặc bỏ ăn, khả năng tiêu hoá, hấp thụ thức ăn kém, không triệt để, dẫn đến không tích luỹ đủ chất dinh dưỡng, không dự trữ đủ năng lượng phục vụ hiệu quả cho quá trình lột vỏ. Tôm khó khăn trong giai đoạn lột vỏ, dẫn đến chậm lớn, tăng trưởng kém, thời gian nuôi kéo dài, khó đạt kích cỡ hàng hoá.
Bên cạnh đó,...
Khi tôm bệnh, sức khoẻ suy giảm, hoặc khi thông số môi trường diễn biến xấu, người nuôi sử dụng thuốc, hoá chất… để điều trị, mong muốn khắc phục các sự cố, chính việc làm này, đã tác động, làm quá trình lôt vỏ của tôm bị gián đoạn, diễn ra không trọn vẹn.
Khi tôm nuôi bị sốc (Stress) gây ra do các yếu tố trên không phù hợp, quá trình lột vỏ chịu nhiều tác động xấu liên hoàn như tôm lột xác dính vỏ, vỏ tôm mềm sau nhiều ngày lột xác, hoặc tôm bị mềm vỏ kinh niên...
Nếu tôm bị sốc sẽ gây ra nhiều tác hại khi lột vỏ như lột xác dính vỏ, vỏ mềm sau vài ngày lột,... Ảnh: Tép Bạc
Tôm có hiện tượng bị bộp, xốp thân, cơ thịt không chắc, thịt không đầy vỏ, tôm nhẹ ký so với kích cỡ, tôm yếu nhanh khi bắt lên quan sát trong vài phút. Bầy tôm nuôi lột vỏ kém thường có hiện tượng chai, còi, chậm lớn, phân nhiều cỡ trong bầy, thời gian nuôi kéo dài.
Tôm ăn giảm lượng so với nhu cầu theo trọng lượng thân, tôm hoạt động kém, hàng ngày rớt đáy từ vài con đến hàng chục ký hoặc rớt đáy số lượng nhiều hơn. Giá trị thương mại giảm thấp, mất đầu ký, thương lái ép giá nếu xuất bán trong thời điểm này.
Biện pháp giúp tôm lột vỏ thuận lợi hơn
Môi trường nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước có độ mặn ≥ 10 - 20%, độ kiềm ≥ 150 mg/lít giúp tôm có nhiều thuận lợi khi lột vỏ, tạo vỏ mới.
Trong môi trường này, nguồn nước cung cấp đầy đủ khoáng chất cần cho quá trình lột vỏ, tạo vỏ mới, tôm chủ động hấp thu dễ dàng các chất khoáng cần khi lột vỏ, tạo vỏ mới.
Sử dụng chế phẩm sinh học, gây nuôi tảo khuê (nước có màu vàng vỏ đậu xanh), kiểm soát màu nước, kiểm soát mật độ tảo.
Luôn khống chế pH nước nuôi trong khoảng 7.8 – 8.2 suốt vụ nuôi thông qua thay nước, khử phèn bằng vi sinh có thành phần Thiobacillus. ferrooxidans, T. thiooxidan, Bacillus subtilis, điều chỉnh màu nước bằng chế phẩm vi sinh.
Dùng vi sinh có thành phần Nitrosomonas, Nitrobacter, Rhodobacter sp, Rhodospirillum, Rhodopseudomonas viridis, Bacillus subtilis kiểm soát nền đáy ao, hạn chế khí độc NH3, NO2 tăng vượt ngưỡng trong quá trình nuôi.
Chủ động bổ xung khoáng chất, nhất là vùng nuôi có độ mặn thấp. Sử dụng khoáng hữu cơ, khoáng chelate chủ động bổ xung giai đoạn trước, trong, và sau khi tôm lột vỏ, tạo vỏ mới.
Kết hợp
Khi nuôi tôm trong khu vực nước có độ mặn thấp, bà con dùng các biện pháp tăng kiềm như bổ xung CaCO3, Ca(MgCO3)2. Diệt ốc, hai mảnh như hến, vẹm…có trong ao nuôi. Sử dụng EDTA, kết hợp bón vôi nóng (CaO) ban đêm, loại trừ kim loại nặng, hạn chế phèn tăng cao.
Nuôi tôm trong môi trường độ mặn thấp bà con nên diệt ốc, hai mảnh có trong ao nuôi. Ảnh: Tép Bạc
Trường hợp độ mặn nước ao nuôi quá thấp (< 5%), cần bổ xung thêm Mg, Ca, K nguyên liệu, kết hợp các chất đã trình bày phần nâng kiềm trên.
Về dinh dưỡng, lựa chọn thức ăn tôm thẻ chân trắng có hàm lượng đạm ≥ 40%, thức ăn có tỷ lệ đạm tiêu hoá cao, thức ăn có thành phần đầy đủ các acid amine thiết yếu, acid béo thiết yếu, đáp ứng đủ nhu cầu tích luỹ năng lượng dữ trữ.
Thức ăn phù hợp nhu cầu dinh dưỡng theo trọng lượng tôm nuôi, thời gian nuôi, đặc điểm môi trường nuôi…
Bà con cần tăng cường sức khoẻ tôm thông qua bổ xung các Enzyme tiêu hoá như Protease, Lypase, Amyllase, Chitinnase, phytase, acid hữu cơ, chất hỗ trợ gan, chế phẩm sinh học hỗ trợ đường ruột, vitamin tổng hợp… giúp tôm lột vỏ, tạo vỏ mới thuận lợi.
Lý Vĩnh Phước
Nguồn: Tép Bạc