Xuất khẩu thủy sản thẳng tiến sang Anh nhờ UKVFTA
Thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Anh với các lợi thế về cam kết thuế quan có được từ Hiệp định UKVFTA, đặc biệt là trong các tháng đầu năm 2021.
|
Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai - len (UK) vừa qua đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (UKVFTA), hiệp định này đã có hiệu lực từ 23 giờ 31/12/2020, tức 6 giờ ngày 1/1/2021. UKVFTA đi vào thực thi, trên tinh thần tiếp nối Hiệp định EVFTA với các điều khoản cam kết tương tự, thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội, tiềm năng phát triển xuất khẩu sang thị trường UK với các lợi thế về cam kết thuế quan có được từ Hiệp định UKVFTA, đặc biệt là trong các tháng đầu năm 2021.
Từ tháng 2/2020 Vương quốc Anh đã chính thức ra khỏi EU, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, trong khi xuất khẩu sang các thị trường thuộc khối EU 27 lại gặp nhiều khó khăn và có sự sụt giảm do tác động của dịch Covid-19.
Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 11 năm 2020, xuất khẩu thủy sản sang Anh tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt khoảng 322 triệu USD, trong đó tôm, cá tra, cua ghẹ và các loại cá biển là những sản phẩm đạt mức tăng trưởng tích cực; đặc biệt là cá tra đã có sự đột phá về cơ cấu chủng loại xuất khẩu, theo đó sản phẩm cá tra chế biến đã tăng trưởng tốt, gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra (trong khi năm 2019 chỉ chiếm 3%).
Với xu hướng và thị hiếu tiêu dùng đã có sự thay đổi rõ rệt tại khu vực EU nói chung và thị trường Anh nói riêng sau tác động của dịch Covid-19, các sản phẩm chế biến với giá trị gia tăng cao của ta đã và đang chiếm lĩnh dần thị trường Anh, cụ thể tôm chân trắng chế biến tăng 33%, tôm sú chế biến tăng gần 120%, cua ghẹ đóng hộp tăng 61%, cá biển phile đông lạnh tăng 127%...
Tính đến nay, thị trường UK là một trong 10 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, thị phần thủy sản xuất khẩu của ta tại thị trường này năm 2020 đạt hơn 4% (năm 2015 đạt 1,03%).
Mặc dù, trong năm 2020, Anh đã ra khỏi EU, nhưng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của ta sang thị trường này vẫn được hưởng thuế quan ưu đãi theo cơ chế của Hiệp định EVFTA đến hết ngày 31/12/2020.
Đến nay, khi Anh và Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu thủy sản của ta sang thị trường này sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi dựa trên cơ chế tiếp nối Hiệp định EVFTA.
Đối với các dòng thuế mà EU đã cam kết dành cho Việt Nam trong cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%, Anh dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch đối với các mặt hàng này trên cơ sở số liệu thống kê của EU về trao đổi thương mại song phương thực tế giữa Việt Nam và UK trong giai đoạn 2014 - 2016. Theo đó, lượng TRQ mà UK dành cho thủy sản của ta như sau:
Mặt hàng |
Hạn ngạch EU dành cho VN (tấn) |
Hạn ngạch UK dành cho VN (tấn) |
Tổng hạn ngạch mới của EU và UK dành cho VN (tấn) |
Cá ngừ |
11.500 |
1.566 |
13.066 |
Surimi |
500 |
68 |
568 |
Trong khối EU28, trước khi chính thức ra khỏi EU, Anh luôn là một trong 7 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều thủy sản nhất trong khối, đồng thời cũng là nước xuất khẩu đứng thứ 8 của khối. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản bình quân của Anh vào khoảng 4,1 - 4,5 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2020, một phần để tiêu thụ nội địa, một phần để tái xuất khẩu sang các nước trong khu vực EU27, bình quân chiếm khoảng 1,7 - 1,9 tỷ USD, tương đương 42 - 45% tổng nhu cầu nhập khẩu.
Đối với thị trường Anh, việc chính thức rút khỏi EU không ảnh hưởng đến thương mại với các nước ngoại khối EU do chính sách thuế nhập khẩu của UK không thay đổi so với chính sách thuế nhập khẩu của khối EU27. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của UK được dự báo ổn định và có khả năng gia tăng trong thời gian tới đối với với sản phẩm thủy sản nuôi trồng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Để khai thác thị trường Anh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng như người nông dân, ngư dân, cần phải lưu ý thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tự giác thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc kháng sinh trong khâu sản xuất, chế biến của mình để phục vụ xuất khẩu; đồng thời kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có sản phẩm hàng hóa thủy sản xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, ngư dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện “chuỗi giá trị” từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững của Hiệp định UKVFTA nói riêng cũng như các FTAs thế hệ mới, cụ thể cần lưu ý đến các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động, về bảo vệ môi trường.
Thế Hoàng - Báo Đầu Tư