Tại sao chúng ta lại bận tâm về thuốc kháng sinh?
Vấn đề dư lượng kháng sinh, kháng kháng sinh trong nuôi tôm luôn là vấn đề lớn, nhưng tại sao?
Lịch sử kháng sinh
Alexander Fleming tình cờ phát hiện ra thuốc kháng sinh vào cuối những năm 1920 đã làm thay đổi ngành y học của thế giới. Ban đầu, trọng tâm là hạn chế tác động của các bệnh truyền nhiễm đối với con người. Khi con người sử dụng thuốc kháng sinh tăng lên, những người khác nhận thấy rằng thuốc kháng sinh có thể đóng một vai trò quan trọng trong sản xuất thịt và từ đó việc sử dụng kháng sinh ngày càng tăng, không chỉ để trị bệnh mà còn dùng cho phòng ngừa cũng như đảm bảo cho sự khỏe mạnh và tăng trưởng của vật nuôi. Việc cho ăn kháng sinh từ khi sinh ra đến khi giết mổ đã trở thành quy trình vận hành của nhiều loài động vật khác nhau.
Tại sao có mối bận tâm về thuốc kháng sinh?
Ước tính có hơn 1 triệu người chết mỗi năm do kháng thuốc kháng sinh. Đến năm 2050, con số này có thể tăng lên hơn 10 triệu.
Ở một mức độ nào đó, hầu hết các quốc gia đều có quy định về liều lượng và cách thức sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, việc thực thi có thể lỏng lẻo hoặc không được áp dụng, làm cho việc sử dụng kháng sinh bị lạm dụng. Thông thường, khi nông dân gặp phải vấn đề về sức khỏe vật nuôi, họ không biết chuyện gì đang xảy ra. Mặc dù các cơ quan kiểm dịch có thể phân lập và xác định các mầm bệnh tiềm ẩn, nhưng dịch bệnh thường do nhiều yếu tố và tác nhân gây nên. Rất ít nông dân được hướng dẫn và hiểu về tất cả các tác nhân này do đó họ thường sử dụng mọi biện pháp theo ý mình (trong đó có việc sử dụng kháng sinh) để cố gắng cứu tôm nuôi khi xảy ra dịch bệnh.
Kháng sinh chỉ được sử dụng khi xác định được nguyên nhân chính gây chết cho tôm là vi khuẩn và việc chẩn đoán phải thực hiện bằng những phân tích khoa học. Thật không may, hầu hết người nuôi tôm không có đầy đủ thông tin khi tôm bị bệnh. Họ phải đánh cược may rủi khi sử dụng kháng sinh, nhưng không có cách nào dễ dàng để xác định xem thuốc kháng sinh có hiệu quả hay không. Người nông dân lựa chọn sử dụng kháng sinh chỉ vì sợ mất mùa một vụ nuôi nhưng không biết rằng sự lựa chọn của mình cực kỳ tai hại về lâu dài.
Có hai vấn đề chính liên quan đến việc sử dụng kháng sinh là sự phát triển của vi khuẩn kháng kháng sinh và dư lượng kháng sinh tồn dư trong sản phẩm thủy sản. Sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc làm cho thuốc kháng sinh không hiệu quả khi trị bệnh cho con người và nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở người.
Kháng kháng sinh
Sự phát triển của vi khuẩn kháng kháng sinh là không thể tránh khỏi, đây là quá trình tự nhiên khi vi khuẩn có khả năng chống lại tác dụng của một loại hoặc nhiều loại thuốc kháng sinh. Hậu quả là các phương pháp điều trị trở nên không hiệu quả, vi sinh vật gây bệnh vẫn tồn tại. Kháng kháng sinh là hậu quả của việc sử dụng không đúng cách và lạm dụng kháng sinh của con người.
Sử dụng không đúng cách (liều cao hơn nhiều, thời gian sử dụng ngắn hơn và ngừng sử dụng khi các triệu chứng thuyên giảm) có thể dẫn đến kháng thuốc. Ngay cả khi sử dụng có trách nhiệm, sự kháng thuốc vẫn có thể xảy ra. Do đó, việc sử dụng luân phiên các loại kháng sinh khác nhau và theo dõi các mô hình kháng thuốc là điều quan trọng để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
Dư lượng
Tồn dư kháng sinh trong thực phẩm không chỉ gây hội chứng ngộ độc cho con người mà về lâu dài còn gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn kháng kháng sinh, làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể, gây ung thư hoặc các bệnh nghiêm trọng khác trong gan, thần kinh, hệ tiêu hóa, tim…
Sự hiện diện của chất tồn dư là một dấu hiệu cho thấy một loại kháng sinh đã được sử dụng. Kết quả là khi tôm được thu hoạch có thể phát hiện được tồn dư do sử dụng kháng sinh trong tôm bán cho người tiêu dùng. Điều này có thể dẫn đến bị cấm xuất khẩu hoặc bị áp dụng các mức độ giám sát cao hơn khi xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào các nước khác và cuối cùng ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Kháng kháng sinh là mối đe dọa đối với tất cả chúng ta. Cần có sự giám sát việc thực thi các quy định cùng với các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các vi phạm kết hợp với khả năng truy xuất nguồn sản phẩm thủy sản tốt sẽ góp phần giảm thiểu tác hại của việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Nguồn: Lệ Thủy - Tép Bạc