Hotline: 028 363 66 229

Nuôi tôm nước lợ năm 2023: Vượt khó và kỳ vọng

Nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn đối diện với nhiều rủi ro nên các nông hộ cần tuân thủ lịch mùa vụ và các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành thủy sản để có được những vụ nuôi thành công trong năm 2023.

Nghề nuôi tôm bằng hình thức lót bạt trên cát diễn ra quanh năm trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nghề... rủi ro

Ông Phan Văn Bằng (thôn Kim Đới, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho biết trong năm 2022 ông tiến hành 2 vụ nuôi tôm thẻ chân trắng trên gần 1ha. Do mưa nắng đan xen liên tục, nhiệt độ ban ngày và ban đêm thay đổi đột ngột, môi trường nước biến động... nên tôm khó thích ứng, bị bệnh và chết hàng loạt, ông thua lỗ hơn 50 triệu đồng.

“Cái khó lớn nhất là hạ tầng vùng nuôi tôm rất yếu kém, nước thẩm lậu từ sông mang theo mầm bệnh vào ao nuôi tôm. Hễ tôm bị bệnh đốm trắng hay hoại tử gan tụy thì dù có xoay xở thế nào cũng chết. Mong các cấp chính quyền đầu tư, kiện toàn lại vùng nuôi tôm, xây dựng điện, đường, thủy lợi, kênh cấp, kênh thoát nước để giúp nông dân nuôi tôm thuận lợi hơn” - ông Bằng nói.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trong năm 2022 toàn tỉnh có hơn 270ha ao nuôi tôm bị nhiễm bệnh; trong đó tôm bị bệnh đốm trắng và chết hàng loạt 25,91ha, 5,8ha tôm nuôi bị bệnh hoại tử gan tụy, 3,9ha bị bệnh do vi bào tử trùng, còn lại bị bệnh do các yếu tố môi trường.

Hộ ông Trương Thanh Bắc (thôn An Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) đầu tư 3 vụ nuôi tôm trên 1ha trong năm 2022. Ở vụ 1, vụ 2 tôm nuôi đều chết hàng loạt. May ở vụ 3 có lãi nên tính chung trong năm ông Bắc thu được 30 triệu đồng. Kinh nghiệm ông Bắc tích lũy được là phải kiểm soát chặt chẽ môi trường nước trong ao nuôi tôm.

Trong quỹ đất của mình, ông Bắc đầu tư ao chứa lắng và ao xử lý nước thải hết 1/3 diện tích. Ở ao chứa lắng, xử lý nước bằng thuốc tím để khống chế mầm bệnh. Trong quá trình nuôi tôm, ông Bắc kiểm tra, xử lý chặt chẽ để các yếu tố độ pH, độ kiềm ổn định trong ao nuôi. Định kỳ dùng chế phẩm sinh học để ngăn chặn hoạt động của tảo độc, làm sạch nguồn nước.

“Nước nuôi tôm tôi chỉ lấy một lần, lọc sạch sau đó xử lý lại tái sử dụng. Nhờ đó hạn chế được dịch bệnh xảy ra ở tôm và giảm tiêu thụ nguồn nước. Tôi xử lý nước trước khi xả thải nên vùng nuôi sạch, đảm bảo ổn định cho nghề nuôi tôm lâu dài” - ông Bắc nói.

Nông dân theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm nuôi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, trong năm qua, đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nghề nuôi tôm như quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh; thông tin đến người nuôi tôm; phổ biến các quy trình kỹ thuật nuôi tôm; hướng dẫn người nuôi tôm phòng chống dịch bệnh…

Khó khăn tiềm ẩn đối với nghề nuôi tôm là chấp hành các quy định về nuôi tôm, phòng chống dịch bệnh của người dân còn hạn chế; biến đổi khí hậu khiến thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan; hạ tầng nuôi tôm nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu; có địa phương chưa chủ động phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi.

Nuôi tôm bền vững

Từ cuối năm 2022, Sở NN&PTNT đã ban hành lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ năm 2023. Ở các vùng cao triều, người nông dân có thể thả nuôi tôm từ tháng 1. Nuôi tôm trên cát bằng hình thức lót bạt có thể thực hiện quanh năm, còn nuôi tôm ở vùng triều ven sông bắt đầu từ tháng 2 tới.

Ông Trần Quảng Nam - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho biết, bước vào vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm nay, các hộ nuôi tôm thương phẩm cần lưu ý việc nuôi theo quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất của ngành thủy sản; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nuôi tôm đạt hiệu quả.

Đồng thời, đăng ký đối tượng nuôi chủ lực, kê khai ban đầu và thực hiện đầy đủ các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo hướng dẫn. Đặc biệt, ghi chép nhật ký, lưu trữ hồ sơ đối với mỗi vụ sản xuất; thông báo cho ngành chức năng khi phát hiện diễn biến môi trường hoặc tôm nuôi có dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời… Nông hộ cần nuôi tôm có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có chứng nhận kiểm dịch. Người nuôi tôm nên thả giống đúng thời vụ, mật độ, kích cỡ.

Nông hộ thu hoạch tâm trong năm 2022. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT khuyến cáo các nông hộ trước khi thả nuôi tôm cần theo dõi diễn biến thời tiết, nếu bất lợi thì tạm ngưng việc thả giống. Các hộ nuôi tôm cần phối hợp thành lập tổ cộng đồng, hỗ trợ lẫn nhau về cải tạo ao nuôi tôm, mua tôm giống ở cơ sở uy tín, cùng nạo vét kênh mương để tăng khả năng cấp, thoát nước trong khu vực nuôi tôm.

Người nuôi tôm cần sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y thủy sản, chất xử lý cải tạo môi trường thuộc danh mục được phép lưu hành. “Ngành chăn nuôi và thú y phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng, triển khai phương án phòng chống dịch bệnh nuôi tôm; theo dõi diễn biến quá trình nuôi tôm, nếu có tình huống phát sinh kịp thời có giải pháp giúp nông hộ. Ngành khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm; xây dựng các mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh, mô hình nuôi ghép, nuôi ứng dụng công nghệ cao, lan tỏa trong cộng đồng nuôi tôm” - ông Tích nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, Quảng Nam với thế mạnh, tiềm năng phát triển nghề nuôi tôm nước lợ, chính quyền tiếp tục động viên, khuyến khích người nuôi tôm tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; quan tâm đầu tư cải tạo hạ tầng; kiểm soát chất lượng con giống; hỗ trợ, phổ biến quy trình nuôi tôm an toàn cho người dân; chú ý xử lý chất thải trước khi xả ra bên ngoài. Đó là cách để từng bước phát triển nghề nuôi tôm bền vững, nâng cao giá trị sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

 VIỆT NGUYỄN

Nguồn : Báo Quảng Nam