Ngành tôm thất thoát 10.000 tỷ đồng vì thói quen sử dụng kháng sinh
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 600 triệu USD, giảm 37%. Hầu hết các thị trường chính đồng loạt giảm 2 con số trong giai đoạn này.
Cụ thể, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản đạt khoảng 105 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ 2022, thị trường Hoa Kỳ ước khoảng 104 triệu USD, giảm 46%, thị trường EU khoảng 89 triệu USD, giảm 44%, thị trường Hàn Quốc đạt 78 triệu USD, giảm 25%.
Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu, giá trị tôm chân trắng đạt 451 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ 2022. Giá trị xuất khẩu tôm sú đạt 83 triệu USD, giảm 34%.
Bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, ngành tôm Việt Nam trong năm 2023 sẽ phải đối mặt với thách thức từ lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, tôm Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với hai quốc gia Ecuador và Ấn Độ về giá thành.
Lý giải về nguyên nhân tôm Việt Nam phải chịu chi phí đẩy cao, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, doanh nghiệp trong nước đang phải bỏ ra nhiều công sức để kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. Ngoài ra, họ còn chịu thêm chi phí kiểm soát kháng sinh ở các nước nhập khẩu và bị trừ thêm vào giá bán.
Tại hội nghị báo cáo với Thủ tướng vừa qua, ông Quang thống kê rằng, ngành tôm Việt Nam đang thất thoát tới 10.000 tỷ đồng vì thói quen nuôi tôm có sử dụng kháng sinh của người dân.
"Vấn đề này đã kéo dài hàng chục năm qua. Điều này khiến cơ hội bán hàng bị giảm đáng kể do thời gian thông quan kéo dài vì phải chờ lấy mẫu và kết quả kiểm tra kháng sinh. Toàn bộ những vấn đề này, doanh nghiệp phải chịu, kéo theo khả năng cạnh tranh của tôm bị giảm sút", ông Quang nhấn mạnh.
Hiện giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn khoảng 30% so với Ấn Độ và gấp đôi so với Ecuador. Sức cạnh tranh của tôm Việt Nam bị suy giảm, nhất là ở thị trường xuất khẩu chủ lực Hoa Kỳ.
Kiến nghị Thủ tướng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, cần phải nghiêm khắc với thói quen sử dụng kháng sinh trong ngành tôm. Ông đề xuất, các đơn vị chức năng, cơ quan quản lý nhà nước nên kiểm tra, giám sát thuốc kháng sinh liên tục và thường xuyên ở vùng nuôi.
"Nếu phát hiện kháng sinh ở vùng nuôi, cần có biện pháp, chế tài mạnh như hủy ao tôm. Có như vậy, chúng ta mới dẹp được thói quen sử dụng thuốc kháng sinh", ông Quang bày tỏ.
Cùng với vùng nuôi, ông Lê Văn Quang kiến nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm với những công ty và người bán thuốc, hóa chất, chế phẩm vi sinh... có trộn kháng sinh để bán cho người nuôi.
Đầu năm 2023, một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Nha Trang công bố đánh giá về tính kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh trên tôm nuôi tại Khánh Hòa. Theo đó, nhóm khuyến nghị các trang trại nuôi tôm cân nhắc kỹ khi sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh ở tôm, tránh gây ra hiện tượng kháng thuốc.
Đồng thời, nhóm đề nghị các nhà quản lý có biện pháp kiểm soát tình trạng sử dụng kháng sinh ở các trang trại nuôi tôm hiện nay, nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thạc sĩ Văn Hồng Cầm, giảng viên thuộc nhóm nghiên cứu cho biết, hiện tượng kháng kháng sinh đang ngày càng diễn ra phổ biến, gây tác hại xấu đến phòng, chống dịch bệnh và môi trường, đồng thời gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm nói riêng và kinh tế thủy sản nói chung.
Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, chiếm từ 40-45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành thủy sản. Ngành tôm đạt giá trị xuất khẩu kỷ lục 4,3 tỉ USD trong năm 2022 và được dự báo có thể duy trì đà này trong năm 2023.
Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam sẽ vấp phải nhiều thách thức. Đầu tiên, là sự lớn mạnh của Ecuador, khi sản lượng tôm nước này ước khoảng 1,5 triệu tấn, gấp đôi lần so với sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam.
Yếu tố thứ hai, là giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới vẫn trên đà giảm từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng.
Cuối cùng, lượng tồn kho ở các thị trường nhập khẩu còn khá lớn. Nhu cầu của các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc được dự báo chưa thể phục hồi trong nửa đầu năm 2023 do kinh tế khó khăn và xung đột chính trị.
Để ngành tôm phát triển bền vững, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) khuyến cáo, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết và có chứng nhận chất lượng để đảm bảo chất lượng, hạ giá thành cho sản phẩm. Cùng với đó, tập trung hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật tiên tiến, phù hợp, hiệu quả; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Về phía doanh nghiệp, Tổng cục đề nghị chuyển hướng xuất khẩu sản phẩm đặc thù quốc gia như tôm - rừng, tôm - lúa, chủ động thay đổi cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của từng phân khúc thị trường, chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu, năng lực sản xuất để bắt nhịp khi nhu cầu tôm trên thị trường thế giới phục hồi.
Doanh nghiệp ngành tôm đang kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng cơ chế hợp tác công tư với các viện nghiên cứu. Đây là cơ sở để sản xuất ra tôm giống chất lượng cao, kháng bệnh, thích nghi với thời tiết khí hậu, môi trường của từng vùng miền của Việt Nam.
Bảo Thắng - Võ Việt
Báo Nông Nghiệp Việt nam