Hotline: 028 363 66 229

Ngành thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023?

Trong báo cáo cập nhập ngành thủy sản năm 2023 mới đây, SSI cho biết, trong năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đã có một năm phục hồi và tăng trưởng vượt bậc, mặc dù có nhiều biến động giữa nửa đầu và nửa cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD (tăng 28% so với cùng kỳ) trong 11 tháng đầu năm 2022.

Trong đó xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 4 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ) và 2,3 tỷ USD (tăng 64%), chủ yếu do đạt mức tăng trưởng ấn tượng 38% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022. Đây là mức cao kỷ lục, so với CAGR (tốc độ tăng trưởng hàng năm kép) xuất khẩu thủy sản là 4% trong giai đoạn 2011- 2021.

Trong nửa đầu năm, cả xuất khẩu tôm và cá tra đều tăng trưởng nhờ nhu cầu cao và giá tăng. Trong nửa cuối năm, lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, trong khi hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Do đó, khối lượng xuất khẩu nhanh chóng giảm tốc trong nửa cuối năm 2022.

Năm 2023 lạm phát sẽ tiếp tục là một thách thức đối với ngành thủy sản trong bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm. Ảnh: vir.com.vn

Theo SSI, năm 2023 lạm phát sẽ tiếp tục là một thách thức đối với ngành thủy sản trong bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm. Mặc dù các sự kiện lớn mang tính mùa vụ đang đến (như Super Bowl và Lễ Phục sinh ở Mỹ) nhưng những sự kiện này sẽ không làm giảm lượng hàng tồn kho đang ở mức cao. Dự báo hàng tồn kho sẽ được xử lý hoàn toàn trong quý III/2023, với các đơn đặt hàng bắt đầu nhận được vào thời điểm này.

Giá bán bình quân có thể sẽ giảm 20-30% so với cùng kỳ trong năm 2023 và chi phí thức ăn thủy sản cũng sẽ giảm theo. Với lượng đơn đặt hàng tăng chậm, nguồn cung sẽ không thiếu hụt đối với cả tôm và cá nguyên liệu. Qua đó dự báo giá nguyên liệu tôm và cá sẽ giảm nhẹ do nhu cầu yếu cho đến hết nửa đầu năm 2023.


Giá nguyên liệu tôm và cá sẽ giảm nhẹ do nhu cầu yếu. Ảnh: nbjobs.ca

SSI nhận định, với lãi suất dự kiến sẽ ở mức cao trong cả năm, chi phí tài chính tăng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ròng, đặc biệt là đối với những công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao, chẳng hạn như IDI. Do đó, các chuyên gia SSI dự báo các công ty sẽ công bố mức tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2023.

Trong khi đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành thủy sản vào năm 2023. Mặc dù cần thêm thời gian để đánh giá tác động định lượng của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với hoạt động xuất khẩu cá tra nhưng SSI cho rằng, điều đó sẽ có lợi cho doanh thu của ngành vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.

Các chuyên gia SSI dự báo các công ty sẽ công bố mức tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2023. Ảnh: VASEP

Tuy nhiên, Trung Quốc là một thị trường nhạy cảm về giá. Giá bán bình quân sang thị trường này luôn ở mức thấp hơn khoảng 40% so với giá bán bình quân sang thị trường Mỹ. Báo cáo cho rằng, doanh thu từ Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu cá tra từ thị trường Mỹ và EU, nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm 2023.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho rằng, trong năm 2023, ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là vấn đề tháo gỡ thẻ vàng IUU. Mặt khác, theo đánh giá gần nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng toàn cầu sẽ chững lại trong năm 2023, do đó, sẽ ảnh hưởng đến tất cả các thị trường nhập khẩu. Cùng với đó là thách thức về việc chuẩn hóa quá trình sản xuất trong nước, nhất là về phần dữ liệu để phục vụ cho sản xuất của ngành hàng.

Ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm vấn đề tháo gỡ thẻ vàng IUU. Ảnh: Tepbac

Theo VASEP, những lợi thế về thị trường trong quý IV/2022 và quý I/2023 sẽ không còn vì lạm phát đã “ngấm sâu” vào các lĩnh vực tiêu thụ trên thị trường thế giới, xuất khẩu trong quý I/2023 sẽ bị sụt giảm và không thể giữ được kết quả tích cực như năm 2022. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ hồi phục vào nửa cuối năm 2023.

VASEP nhận định, năm 2023, ngành thủy sản đạt mục tiêu tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha; tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,74 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD.

“Ngành thủy sản vẫn có những hy vọng lạc quan vào tín hiệu tốt từ một số thị trường có nền kinh tế ổn định hơn, ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn như ASEAN, Trung Đông và khối các nước CPTPP. Đặc biệt, Trung Quốc bỏ các quy định kiểm soát đối với hàng nhập khẩu như xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch sẽ giải tỏa một ách tắc lớn, mở rộng cơ hội xuất khẩu hơn cho hàng thủy sản Việt sang thị trường này”, VASEP nhận định.

Đình Đại

Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp