Mô thức nuôi tôm mới siêu thâm canh, không phát thải
Nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL đang chuyển mạnh sang thâm canh, chuyển đổi nhanh chóng từ mô hình nuôi tôm sú quảng canh ao đất sang nuôi tôm thẻ thâm canh ao nổi lót bạt HDPE.
Tuy nhiên từ đầu năm 2022, có hơn 70% trang trại nuôi tôm thẻ thâm canh phải giảm sản lượng hoặc dừng nuôi do tôm mắc bệnh chậm lớn, phân trắng và đốm trắng gây ra bởi vi bào tử trùng Enterocytozoon-hepatopenaei, vi khuẩn vibrio parahaemolyticus và vi trùng đốm trắng. Lần bùng phát dịch bệnh này đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL.
Bên cạnh đó, để sản xuất một tấn tôm thẻ thương phẩm, người nuôi cần một lượng tài nguyên rất lớn, bao gồm 0,45ha đất canh tác, 45.500m3 nước, 0.612 tấn cá tạp và 24.859 kwh năng lượng, phát thải hơn 13 tấn khí nhà kính CO2.
Để phát triển bền vững ngành nuôi tôm nước lợ, cần có mô thức nuôi tôm thẻ thâm canh mới, giúp người nuôi sử dụng hiệu quả tài nguyên, ngăn ngừa tốt dịch bệnh, giảm chi phí sản xuất và không phát thải...
Để giải quyết vấn đề trên, một tập đoàn lớn tại Trà Vinh đã nghiên cứu, phát triển và đưa vào ứng dụng mô thức nuôi tôm thẻ siêu thâm canh dựa trên 4 tiêu chí bao gồm: Bảo tồn rừng ngập mặn; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước và năng lượng; canh tác tuần hoàn kết hợp nuôi tảo, tôm và cá để giảm chi phí sản xuất và ô nhiễm môi trường và dùng năng lượng tái tạo thay thế năng lượng từ nguồn nhiên liệu hóa thạch để không phát thải.
Hiện trang trại nuôi tôm thẻ siêu thâm canh theo mô thức mới được xây dựng trên diện tích 6ha thuộc địa bàn tỉnh Trà Vinh, bao gồm khu xử lý nước đầu vào 1ha, khu nuôi tảo 0,2ha, khu nuôi tôm thương phẩm 1ha, khu bảo tồn rừng ngập mặn 2ha, khu sơ chế đóng gói với khí cải tiến 1,8ha.
Cụ thể, khu xử lý nước đầu vào bao gồm các ao xử lý nước với hóa chất, lắng bùn, lọc cát và sẵn sàng có thể tích chứa 10.000m3, nước được trang bị hệ thống vi sóng diệt tảo lam không dùng hóa chất. Tiếp theo là khu nuôi tôm thương phẩm gồm 5 ao tròn nửa chìm dưới mặt đất, mỗi ao có diện tích 1.000m2 và 10 ao tròn nổi trên mặt đất, mỗi ao có diện tích 500m2.
Một điểm đặc biệt, những ao nuôi tôm này có đáy hình nón ngược, lót bạt HDPE với ống siphon ở giữa giúp gom hiệu quả chất thải hữu cơ không tan trong nước. Tôm có thể nuôi với mật độ 300 - 500 con/m2 một giai đoạn. Các ao nuôi tôm được cấp khí oxy có độ tinh khiết trên 90% với hệ thống tách khí oxy từ không khí có công suất 1.000kg/ngày.
Mỗi ao nuôi tôm còn có 2 hệ thống đa chức năng dùng để tạo dòng nước chảy tầng một chiều để hòa tan khí oxy vào nước; hệ thống cấp thức ăn cho tôm với bộ định lượng tự động. Người nuôi cũng theo dõi trực tuyến độ pH, độ mặn, nhiệt độ nước với bộ cảm ứng thông minh. Bên cạnh đó, ao nuôi tôm còn được trang bị đèn LED để tăng thời gian cho tôm ăn, giúp tôm tăng trưởng nhanh.
Ngoài ra, khu bảo tồn rừng ngập mặn được trồng 20.000 cây đước kết hợp nuôi cá giúp phân giải chất thải hữu cơ trong nước xả thải từ ao nuôi tôm. Nước từ khu rừng ngập mặn được bơm đến khu nước đầu vào, xử lý và tái sử dụng để nuôi tôm. Theo đó, khu rừng ngập mặn có khả năng cô lập 246 tấn CO2 /năm. Đồng thời, mái nhà khu sơ chế được lắp pin năng lượng mặt trời có công suất 642.142 kwh/năm với 500 kWp. Được biết, mỗi kwh điện tại Việt Nam phát thải 0.52kg CO2. Như vậy, với hệ thống pin năng lượng mặt trời tại đây có thể giảm phát thải tương đương 335 tấn CO2/năm.
Nguồn : Nông nghiệp Việt Nam