Hotline: 028 363 66 229

Kì vọng xuất khẩu thuỷ sản trong năm 2021

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm 2020, ngành thủy sản đã có dấu hiệu sụt giảm đơn hàng hoặc khó giao hàng do các quốc gia đóng cửa giao thương để ứng phó dịch bệnh.

Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu khởi sắc. Cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành thủy sản Việt Nam được dự báo và kỳ vọng sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2021.

Tôm là mặt hàng thiết yếu và quan trọng trong thị trường xuất khẩu Việt Nam.
 

Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản trong năm 2021

Theo VASEP, sản lượng thủy sản xuất khẩu trong năm 2020 tăng nhẹ so với năm 2019; trong đó, xuất khẩu từ nuôi trồng chiếm 54% với 4,6 triệu tấn, xuất khẩu từ nguồn khai thác chiếm 46% với trên 3,8 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 8,4 tỷ USD.

 

Theo VASEP, sản lượng thủy sản xuất khẩu trong năm 2020 tăng nhẹ so với năm 2019 

 

Dịch Covid -19 kéo dài trong năm 2020 đã làm gián đoạn hoạt động thương mại thủy sản toàn cầu cũng như thay đổi xu hướng tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam cũng biến động theo xu hướng thị trường, dẫn đến xuất khẩu tôm chân trắng, tôm biển, cá biển, cua, ghẹ và nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng, trong khi xuất khẩu cá tra lại giảm sâu; cá ngừ, mực, bạch tuộc giảm nhẹ.

Từ đầu năm 2021, dịch Covid -19 lại lan rộng với tốc độ nhanh hơn so với năm 2020. Điều này khiến các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và người tiêu dùng ngày càng lo lắng trong sản xuất và lựa chọn thực phẩm an toàn, phòng tránh dịch bệnh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu dịch tễ Trung Quốc đã có những chứng minh sản phẩm thủy sản vẫn an toàn khi đến tay người tiêu dùng.

Thông tin từ VASEP, ông Zang Wenhong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Thượng Hải, Trung Quốc, người đứng đầu nhóm chuyên gia điều trị bệnh nhân Covid -19 tại Thượng Hải cho biết, đến nay Thượng Hải chưa ghi nhận một ca nhiễm Covid -19 nào liên quan đến tiêu thụ các sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Khả năng bị lây nhiễm qua sản phẩm thủy sản rất khó xảy ra. Ngoài ra, các biện pháp kiểm tra hải quan và khử trùng đã ngăn chặn một cách hiệu quả các đợt bùng phát dịch liên quan đến sản phẩm thủy sản nhập khẩu.

VASEP cho biết, thủy sản là ngành tăng tốc xuất khẩu ngay từ đầu năm 2021 khiến kim ngạch xuất khẩu bật tăng trở lại, trái ngược với việc sụt giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19. Theo đó, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 01/2021 ước đạt 600 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng mặt hàng tôm tiếp tục duy trì được đà xuất khẩu, đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2021. Dự báo xuất khẩu tôm 2021 sẽ tiếp tục đà tăng, đạt 4,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020.

Tính riêng năm 2020, giá trị xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 3,7 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2019 trong bối cảnh đầy khó khăn của đại dịch Covid -19. Mặt hàng tôm có 508 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đến 135 thị trường trên thế giới. Các thị trường lớn giữ được mức độ tăng trưởng khả quan như Mỹ, EU, Anh và Hàn Quốc.

Thêm vào đó, vào giữa tháng 02/2021, Cơ quan Hải Quan và Biên giới Mỹ (CBP) đã đưa ra kết luận Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú không lẩn tránh thuế chống bán phá giá tại Mỹ và cơ quan này đã có quyết định thu hồi quyết định đánh thuế chống bán phá giá đã áp trước đó.

Đại diện Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết, quyết định này cho phép Tập đoàn Minh Phú tiếp tục xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống bán phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ một loại thuế chống bán phá giá nào khác.

Trước tín hiệu tốt này, ngành tôm Việt Nam tăng thêm uy tín trên thị trường thế giới, thúc đẩy sự tăng trưởng chung của xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2021.

 

Mặt hàng tôm sẽ đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Ảnh: IT

 

Nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường

Mới đây, thị trường Campuchia có động thái nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thủy sản được nhập khẩu từ các quốc gia có chung đường biên giới; trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia đang lấy ý kiến Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản trong nước để xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thủy sản như cá tra, cá trê, cá lóc và cá bớp nhập khẩu từ các thị trường láng giềng.

 

Trước những yêu cầu ngày càng cao của các thị trường, ngày 09/02/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công văn 859/BNN – QLCL về việc tăng cường hiệu quả kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản thực hiện ngay các giải pháp chủ động nghiên cứu, cập nhật đầy đủ các quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm để tổ chức thực hiện trong quá trình sản xuất, chế biến xuất khẩu; trong đó, tập trung kiểm soát mối nguy, sản phẩm và yêu cầu của một số thị trường đã được Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản phổ biến, hướng dẫn thời gian qua.

VASEP nhận định, năm 2021, tình hình thương mại thủy sản vẫn bị tác động bởi đại dịch Covid -19, thậm chí là yếu tố chính chi phối xu hướng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác. Ngoài ra, các Hiệp định trương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam hồi phục ở một số thị trường.

Sau một năm vừa kinh doanh, vừa ứng phó với đại dịch toàn cầu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ có thêm kinh nghiệm và sự linh hoạt trong việc thích ứng với biến động của thị trường thế giới. Do đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2021 có thể sẽ tăng hơn so với năm 2020 nhờ vào những kinh nghiệm đã trải qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó các doanh nghiệp cần thiết lập và thực hiện hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm trước khi tiêu thụ ra thị trường, nghiêm túc tuân thủ các quy tắc về xuất xứ, nghĩa vụ thuế theo quy định của thị trường để tránh các điều tra về thuế và xuất xứ sản phẩm. Thiết lập chủ động kênh thông tin giữa nhà nhập khẩu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu, đặc biệt các vấn đề liên quan đến chất lượng thủy sản.

Với những hành động cụ thể, hy vọng ngành thủy sản Việt Nam sẽ góp phần mang lại sự phát triển hơn nữa cho nền kinh tế đất nước trong năm 2021.

Nguồn: Thế giới tiếp thị