Hiểu về bệnh tôm và biện pháp phòng ngừa
Bệnh trên tôm có xảy ra hay không tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và điều kiện làm bệnh phát sinh. Do đó, người nuôi cần nắm vững được các yếu tố này để có giải pháp phòng trị bệnh tích cực và hiệu quả.
Khái niệm
Một cơ thể động vật đang sống được đặc trưng bởi các hoạt động sống của cơ thể như: Trao đổi chất, sinh trưởng, phát triển, sinh sản... các hoạt động này giúp cơ thể động vật sống, lớn lên và duy trì nòi giống. Khi cơ thể khỏe mạnh, các hoạt động sống diễn ra theo một cơ chế chặt chẽ và thống nhất dưới sự điều khiển của trung tâm thần kinh.
Khi cơ thể động vật bị tấn công, hay xâm nhập của một hay nhiều yếu tố khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, yếu tố vô sinh hay hữu sinh, bên ngoài hay bên trong làm một hay nhiều hoạt động sống của động vật đó bị rối loạn, ngừng trệ hoặc bị phá hủy thì gọi động vật đó đang bị bệnh.
Vậy, bệnh động vật thủy sản nói chung, ở tôm nói riêng là trạng thái bất bình thường của cơ thể, khi một hay một số hoạt động sống bị rối loạn, ngừng trệ dưới tác động trực tiếp hay gián tiếp của các nhân tố vô sinh (yếu tố môi trường, hoặc dinh dưỡng) hoặc hữu sinh (virus, vi khuẩn, nấm và các loại ký sinh trùng khác nhau).
Khi tôm bị bệnh thường có một số biểu hiện: Trạng thái hoạt động không bình thường (không giữ được thăng bằng, nổi đầu, dạt bờ), bỏ hoặc kém ăn, có sự thay đổi màu sắc của 1 bộ phận hay toàn bộ cơ thể, kèm theo dấu hiệu chậm lớn, yếu và nếu các hoạt động sống bị rối loạn, phá hủy ở 1 hay nhiều cơ quan quan trọng như: hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh... thì bệnh xảy ra nặng và tôm bị bệnh có thể chết.
Dịch bệnh bùng phát trong trường hợp hội tụ đủ 3 yếu tố: Vật chủ, mầm bệnh và môi trường Ảnh: Globalseafood
Điều kiện phát sinh dịch bệnh
Trong nuôi tôm, kết hợp của 3 yếu tố (mầm bệnh, vật chủ và môi trường) sẽ dẫn đến hiện tượng bùng phát dịch bệnh. Hầu hết bệnh tôm xuất hiện là do sự kết hợp của các điều kiện môi trường xấu mà hậu quả là làm hại hoặc làm giảm khả năng kháng bệnh ở tôm. Hầu hết các ao tôm có sẵn các mầm bệnh lợi dụng cơ hội này để gây bệnh cho tôm:
- Môi trường ao nuôi: Các yếu tố thủy lý hóa trong ao nuôi dao động theo chiều hướng bất lợi cho tôm (ngoài khoảng thích hợp) và thuận lợi cho mầm bệnh trong ao phát triển với số lượng đủ để làm bệnh bùng phát và gây ảnh hưởng cho tôm.
- Mầm bệnh: Bình thường các vi sinh vật gây bệnh có thể hiện diện trong môi trường ao nuôi hoặc trên cơ thể tôm nhưng với mật độ thấp dưới ngưỡng gây bệnh cho tôm. Khi điều kiện môi trường thuận lợi như nồng độ hữu cơ cao, hàm lượng ôxy thấp, pH, độ mặn… thì các loại mầm bệnh này sẽ gia tăng mật độ và đủ độc lực để gây bệnh cho tôm.
- Vật chủ hay còn gọi là bản thân con tôm: Sức đề kháng của tôm suy giảm có thể do nhiều nguyên nhân như sốc môi trường, do không cân bằng dinh dưỡng, khoáng chất…
Bệnh phát sinh trong trường hợp hội tụ đủ 3 yếu tố: Vật chủ, mầm bệnh và môi trường. Bệnh không xảy ra trong trường hợp vắng mặt sự tác động của một trong 3 yếu tố trên.
Phân loại bệnh
Bệnh truyền nhiễm: Lây lan mạnh, do: vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng gây ra.
Bệnh không truyền nhiễm: Do dinh dưỡng hoặc do các yếu tố gây sốc gây ra. Thường là do sự biến động lớn về các chỉ tiêu chất lượng nước, quá ngưỡng cho phép hoặc do sự hiện diện của độc chất trong môi trường nuôi.
Các hình thức lây lan bệnh
Lây từ mẹ sang con: Hiện tượng này được tìm thấy trên một số bệnh tôm như bệnh còi, bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, hội chứng Taura...
Các hình thức lây lan khác: Do tiếp xúc trực tiếp; lây lan qua nguồn nước; lây lan qua dụng cụ chăm sóc, đánh bắt, vận chuyển; mầm bệnh có sẵn trong ao; từ các loài khác; do phát tán mầm bệnh từ vùng này sang vùng khác.
Biện pháp phòng ngừa
Chọn ao nuôi với chất đất và nguồn nước phù hợp. Ao nuôi cần phải có ao lắng nước. Cải tạo và chuẩn bị ao đúng phương pháp. Phải lấy nước từ ao lắng đã được xử lý không cấp nước trực tiếp từ ngoài vào.
Cần tuân thủ đúng lịch thời vụ thả giống do Sở NN&PTNT ban hành, đồng thời hạn chế thả giống vào đầu mùa mưa. Đảm bảo thả đúng mật độ theo từng hình thức nuôi.
Lựa chọn con giống theo quy chuẩn Việt Nam (Tôm sú giống TCVN 8398:2012; TTCT giống TCVN 10257:2014;…). Xét nghiệm con giống trước khi thả.
Để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi thì trước hết phải cho tôm ăn đủ cả về lượng và chất; lựa chọn con giống đúng quy trình (cảm quan, sốc Formalin/độ mặn, xét nghiệm). Ngoài ra, bổ sung Vitamin C, khoáng và các chất tăng cường hệ miễn dịch (như beta-glucan) cho tôm sẽ giúp tôm nuôi nâng cao đề kháng, hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Để diệt bớt tác nhân gây bệnh, nên sử dụng chất diệt khuẩn hoặc chất ôxy hóa mạnh trong quá trình cải tạo ao, xử lý nước là cần thiết. Trong suốt vụ nuôi, chất diệt khuẩn cũng được sử dụng một cách hợp lý để ngăn chặn mầm bệnh phát triển trong ao. Ngoài ra, sử dụng vi sinh để tăng mật số vi khuẩn có lợi lấn át vi khuẩn gây bệnh cũng là biện pháp phòng bệnh được áp dụng rộng rãi hiện nay.
Xử lý hiện tượng tôm ăn yếu và bị bám bẩn bằng các phương pháp cải thiện chất lượng nước: diệt bớt tảo, thay nước...
Dụng cụ phải được cách ly theo từng ao đặc biệt là không dùng chung 1 chài để chài tôm trong nhiều ao, phải vệ sinh sạch sẽ tay chân trước khi cho tôm ăn hay thực hiện các công việc trên ao nuôi.
Quản lý tốt môi trường ao nuôi.
Việc xử lý xác tôm chết do nhiễm bệnh cần được quan tâm và xử lý triệt để. Người nuôi tôm cần thu gom sạch xác tôm chết trong đầm, sau đó đem chôn nơi xa bờ ao, đầm nuôi để tránh lây lan, tạo cơ hội cho virus, vi khuẩn và mầm bệnh phát triển. Việc thu gom xác tôm chết không những góp phần bảo vệ môi trường ao nuôi chính mình mà còn góp phần bảo vệ môi trường của vùng nuôi chung.
Lê Loan