Giải pháp nuôi tôm không kháng sinh
Đảm bảo an toàn sinh học
Khi áp dụng nuôi tôm an toàn sinh học (ATSH), vấn đề đầu tiên cần đề cập đến là tôm giống. Giải pháp cho vấn đề này là phải mua được tôm giống sạch bệnh (SPF). Mặc dù cách này không loại bỏ hết tất cả mầm bệnh tiềm tàng trong phạm vi nguồn cung, nhưng cũng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro của các mầm bệnh chính trên tôm. Tôm giống khỏe mạnh, sạch bệnh thì việc nuôi tôm thương phẩm sẽ được thuận lợi, cho năng suất cao. Tôm SPF là loại tôm giống sạch bệnh không bị nhiễm các bệnh thường gặp trên tôm như: WSSV, YHV, TSV, IHHNV… Chúng được sản xuất tại những cơ sở nuôi ATSH, được kiểm tra nhiều lần và có nguồn gốc từ những con tôm bố mẹ đã trải qua quy trình kiểm dịch. Bên cạnh đó, người nuôi tôm có thể mua tôm giống kháng bệnh (SPR) để thả nuôi, nghĩa là tôm giống có khả năng kháng một loại bệnh đặc hiệu. Ngoài ra, người nuôi cần xét nghiệm tôm giống nhằm đảm bảo chọn được tôm giống sạch bệnh để thả nuôi.
Nước cung cấp cho ao tôm cần được xử lý bằng các công nghệ hiện đại (lọc cơ học, xử lý sinh học, hóa học,…), để đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho cơ sở/trang trại nuôi tôm ATSH. Chỉ sử dụng nước đã qua xử lý, áp dụng hệ thống lọc tuần hoàn. Tất cả hệ thống nuôi, trữ nước, cung cấp nước phải được che chắn bằng lưới để đảm bảo các động vật giáp xác, ấu trùng, cá tạp,… không vào ao nuôi.
Việc khử trùng phương tiện, dụng cụ được thực hiện thường xuyên nhằm giảm thiểu các loại mầm bệnh tại trang trại/cơ sở nuôi tôm, từ đó làm giảm rủi ro lây lan từ một sinh vật nhiễm bệnh giữa các ao tôm trong trang trại/cơ sở nuôi tôm. Lưu ý, cần sử dụng các dụng cụ như: lưới, xô chứa thức ăn, dụng cụ lấy mẫu… riêng cho từng ao, để giúp loại bỏ các rủi ro lây nhiễm giữa các ao nuôi.
Định kỳ xi phông hoặc thay nước từ 10 - 20% ao nuôi vì nuôi với mật độ dày đặc thì phân và thức ăn dư thừa tồn đọng trong ao gây ra bùng phát các loại khí độc như: NH3, H2S, NO2 làm ảnh hưởng trực tiếp đến ao nuôi.
Nuôi tôm không kháng sinh tạo sản phẩm chất lượng. Ảnh: Sunnyrichgroup
Bổ sung chế phẩm sinh học
Để hạn chế dịch bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh, người ta đã tích cực tìm kiếm các biện pháp thay thế để xử lý dịch bệnh và giảm tỷ lệ chết, trong đó, sử dụng các chế phẩm sinh học đang rất được ưa chuộng. Chế phẩm sinh học được nghiên cứu và ứng dụng trong chăn nuôi từ những năm 1970. Cuối những năm 1980, ấn phẩm đầu tiên về việc kiểm soát sinh học trong NTTS được xuất bản đã thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu về vấn đề này (Verschuere et al., 2000). việc bổ sung các vi sinh đã được đánh giá giúp cải thiện các yếu tố sinh học đối với chất lượng nước. Vấn đề có thể phát sinh khi các sản phẩm này được sử dụng bừa bãi để xử lý chất thải hữu cơ trong ao nuôi. Chúng có thể nhanh chóng làm giảm lượng ôxy hòa tan (DO) trong nước, làm tăng hàm lượng NO2- độc hại và NH4+. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng công nghệ tăng vi sinh và các biện pháp ứng dụng hợp lý sẽ tạo ra một hệ vi sinh có lợi và bền vững trong nước ao. Việc áp dụng công nghệ vi sinh một cách chính xác, các trang trại NTTS có thể đạt được kết quả mong muốn, làm giảm chất hữu cơ trong khi duy trì lượng các chất độc hại như NO2- và NH3 ở nồng độ thấp. Một hệ thống nước có quần thể vi sinh bền vững cũng sẽ loại bỏ các cơ hội cho vi khuẩn có hại phát triển nhanh (Attramadal, et al., 2012).
Ứng dụng thảo dược
Thảo dược là những cây cỏ, hiệu quả dùng thảo dược mang lại cho người nuôi tôm rất nhiều lợi ích thiết thực. Những lợi ích nếu sử dụng thảo dược như tôm không bị chậm lớn, hệ tiêu hoá không bị ảnh hưởng, các chức năng sinh lý, sinh hoá khác, diễn ra bình thường, tôm khoẻ mạnh, màu sắc tươi sáng.
Chất allin có trong tỏi, là axit hữu cơ, khi đập dập sẽ kết hợp với Allicinase có trong tỏi, tạo thành Allicin. Allicin có khả năng kháng khuẩn, nấm, trên tôm. Tỏi là chất kích thích miễn dịch tự nhiên cho tôm, với nhiều hoạt tính kháng vi khuẩn gram âm, gram dương, kháng virus, kháng nấm. Tỏi kích thích quá trình thực bào, đại thực bào. Bổ sung tinh dầu tỏi cho tôm thẻ chân trắng, giúp tăng chỉ số hồng cầu, lượng hemoglobin, bạch cầu và tiểu cầu. Tỏi có khả năng ức chế, thậm chí kháng vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng và cả virus, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch cho tôm thẻ chân trắng theo hướng phòng bệnh chủ động. Hợp chất chiết xuất từ cây diệp hạ châu hay còn gọi là cây chó đẻ răng cưa, gồm Niranthin, Hypophyllanthin, Phyllanthin, Hypophyllanthin, Phyllanthin, được chứng minh có thể ức chế DAN polymerase ở virus. Sử dụng sản phẩm diệp hạ châu cho tôm trong suốt chu kỳ nuôi, có khả năng phòng ngừa bệnh đốm trắng, hoại tử gan tuỵ cấp, liều lượng dùng diệp hạ châu chiết xuất phổ biến 8 g/kg thức ăn/ngày cho hiệu quả.Ngoài ra một số thảo dược như cây trầu, cỏ mực, cây sim, cỏ hôi… Tùy mỗi loại bệnh, tình trạng sức khỏe tôm, diễn biến yếu tố môi trường, thời tiết, điều kiện ao nuôi… người nuôi cần linh hoạt sử dụng thảo dược theo hướng chủ động mang lại hiệu quả cao, không ảnh hưởng đến tôm nuôi, không tồn lưu độc hại trong môi trường, tiết kiệm chí phí sản xuất.
>> Người nuôi chỉ sử dụng kháng sinh để chữa bệnh cho tôm khi xác định chính xác bệnh do vi khuẩn gây ra. Cần nuôi cấy, làm kháng sinh đồ để có căn cứ, nhận định chính xác, sự nhạy cảm kháng sinh đối với vi khuẩn gây bệnh, chọn loại thuốc còn nhạy với mầm bệnh điều trị. |
Ứng dụng mô hình nuôi không kháng sinh
Các công nghệ nuôi tôm hiện nay như Biofloc, nuôi tôm sử dụng vi sinh, nuôi tôm nước tuần hoàn kín… đang hướng đến mô hình nuôi tôm hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, nuôi tôm hữu cơ, nuôi tôm sạch. Những lợi ích to lớn mang lại từ các công nghệ nuôi tôm sạch là giữ môi trường nuôi tôm bền vững, hạn chế tồn lưu kháng sinh, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường nuôi.
Diệu Châu
Nguồn: Contom.vn