Định hướng ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm
Cần nhiều cải thiện để nuôi tôm công nghệ cao ngày một bền vững. Ảnh: Shutterstock
Nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh hiện đang phát triển mạnh ở nước ta. Song song với việc mở rộng quy mô sản xuất sẽ đi kèm với nhiều rủi ro phát sinh nhất là vấn đề về dịch bệnh và các chất thải từ hoạt động nuôi. Do đó, việc đặt ra hướng đi cho ngành là rất cần thiết.
Quản lý, kiểm soát dịch bệnh
Trên các ao hồ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, công nghệ cao hiện nay ghi nhận sự phát triển rất mạnh của nấm đồng tiền (tên gọi địa phương), đây là một trong những tác nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra các bệnh trên tôm.
Các loại nấm đồng tiền có mùi tanh đặc trưng, mùi này tôm rất thích ăn, khi ăn phải các loại nấm này thì tôm bị bệnh đường ruột và đan đen các bệnh khác (teo gan, ốp thận, không phát triển...) nguy hiểm cho sức khỏe tôm và rất khó xử lý triệt để bằng hóa chất.
Dựa theo cơ chế sinh trưởng của nấm đồng tiền (hút nước và muối khoáng cung cấp cho tảo, tảo thông qua quá trình quang hợp sẽ tạo ra các chất dinh dưỡng được chia sẻ bởi cả hai – nấm và tảo), khi nước trong ao còn sạch chưa xuất hiện hoặc xuất hiện số lượng ít bào tử của nấm đồng tiền
Người nuôi có thể cung cấp một lượng vùa đủ nấm men Saccharomyces cerevisiae (một vi sinh vật đơn bào thuộc loài nấm nem, rất có lợi cho các động vật nuôi cả trên cạn lẫn dưới nước), để chúng phát triển phủ kín không gian ao và cộng sinh với các loài tào có trong nước ao nuôi tôm với mục đích sinh trưởng, cạnh tranh không gian, thức ăn, ôxy với nấm đồng tiền, không cho nấm đồng tiền cơ hội phát triển.
Nấm men Saccharomyces cerevisiae. Ảnh: Biology Dictionary
Vậy nên, vấn đề cấp thiết là cần nghiên cứu và phát triển dòng Saccharomyces cerevisiae có khả năng tăng sinh nhanh chóng, phù hợp với các điều kiên môi trường nước ao nuôi tôm, giá thành hợp lý đề phòng nấm đồng tiền hiệu quả trong quá trình nuôi tôm.
Xử lý nước thải
Các chất hữu cơ dễ bị phân hủy sinh học (carbohydrate, protein,...) trong hoạt động NTTS thường gây tác hại lớn đối với môi trường vì làm tiêu hao ôxy trong nước, gây chết tôm... Tuy nhiên, nguồn nước này lại là nguồn cơ chất tốt cho vi khuẩn quang dưỡng (VKQD) tía không lưu huỳnh tăng trưởng trong điều kiện yếm khí và vi hiếu khí.
Trong đó, có một số loài sử dụng được nitrate và một số có khả năng sử dụng nitơ. Dựa vào các đặc điểm trên, VKQD tía không lưu huỳnh được ứng dụng để xử lý NH4+/NH3, NO2 trong nước ao tôm.
Đồng thời, VKQD được ứng dụng cùng với các vi sinh vật dị dưỡng yếm khí, vi hiếu khí và tảo trong các hệ thống làm sạch nước thải góp phần cải thiện và duy trì chất lượng nước phù hợp cho ao nuôi. Ngoài ra, VKQD cũng có thể sử dụng Hydrogen sulfide (H2S) có trong nước thải trong điều kiện kỵ khí.
Anammox loài vi khuẩn nữa cũng đã được ứng dụng rộng rãi trong xử lý nước thải nuôi tôm. Ảnh: Hindawi
Một loài vi khuẩn nữa cũng đã được ứng dụng rộng rãi trong xử lý nước thải nuôi tôm, đó là vi khuẩn Anammox. Trong một nghiên cứu xử lý nước thải tích cực trên toàn thế giới, việc phát hiện ra loài vi khuẩn này đã thay đổi quan điểm về chu trình nitơ.
Quá trình ôxy hóa amoni yếm khí, trong đó amoni và nitrite được ôxy hóa trực tiếp thành khí nitơ trong điều kiện yếm khí với amoni là chất cho điện tử và nitrite là chất nhận điện tử để tạo thành khí nitơ. So với quá trình loại bỏ amoni thông thường đây là phương pháp có thể mang lại hiệu quả về kinh tế.
Triển khai nhiều giải pháp hơn
Để phát triển bền vững nuôi tôm công nghệ cao, trước hết cần quy hoạch lại các vùng nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao. Triển khai mô hình tuần hoàn khép kín cả chất thải và nước thải, đáp ứng các tiêu chuẩn cao và nghiêm ngặt về chất lượng tôm thương phẩm, tiêu chuẩn xả thải, tiêu chuẩn về giảm khí thải carbon, về sử dụng hóa chất, kháng sinh và các tiêu chuẩn cao của quốc tế.
Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu các chế phẩm sinh học chuyên dụng, có chất lượng cao, ổn định, giá thành hợp lý để giảm thiểu dịch bệnh, hạn chế sử dụng hóa chất và kháng sinh, xử lý triệt để chất thải thải ra môi trường, đáp ứng được năng suất, sản lượng và chất lượng tôm thương phẩm và các tiêu chuẩn trong sản xuất và xuất khẩu tôm do các nhà nhập khẩu yêu cầu.
Nguồn