Hotline: 028 363 66 229

Đầu tư phát triển ngành thủy sản

Tôm thẻ

Tôm thẻ. Ảnh: Tép Bạc

Ngành thủy sản hiện nay là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng.

Hơn nữa, ngành thủy sản được xem là một ngành đi tiên phong trong quá trình đổi mới, chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta.

Bối cảnh ngành thủy sản

Trước đây, hoạt động nghề cá chỉ được xem như một nghề phụ trong sản xuất nông nghiệp, những năm giữa thế kỷ trước vẫn mang đậm dấu ấn của một loại hình hoạt động kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc, trình độ sản xuất còn lạc hậu, thủ công.

Tàu đánh bắtTrước đó, hoạt động nghề cá chỉ được xem như một nghề phụ trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tép Bạc

Từ năm 1950 trở đi, kinh tế thuỷ sản bắt đầu được chăm lo phát triển đẩy mạnh thành một ngành kinh tế kỹ thuật. Đến năm 1986, ngành Thủy sản bước vào giai đoạn phát triển toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng, hậu cần dịch vụ, chế biến và xuất khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, mở rộng hợp tác quốc tế để giữ vững nhịp độ tăng trưởng.

Năm 1993, nước ta xác định xây dựng thuỷ sản thành ngành kinh tế mũi nhọn thông qua Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 5 khoá VII. 

Từ giữa những năm 1990, ngành đã tập trung đổi mới phương thức quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, tiếp cận và từng bước đáp ứng những đòi hỏi cao nhất về lĩnh vực này của các thị trường lớn, tạo được uy tín và đứng vững trên các thị trường thuỷ sản lớn nhất trên thế giới. 

Thành tựu trong ngành thủy sản

Trong hơn 10 năm trở lại đây, ngành thủy sản đã có những bước phát triển nhanh và ổn định, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Tỷ trọng của thủy sản trong khối nông, lâm và ngư nghiệp và trong nền kinh tế quốc dân tăng dần qua các năm.

Ngành thủy sản dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tham gia xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của cộng đồng cư dân không chỉ vùng nông thôn ven biển, mà cả ở các vùng núi, trung du và Tây nguyên.

Nuôi cáNuôi trồng thủy sản phục vụ cho xuất khẩu tập trung chủ yếu ở ĐBSCL chủ yếu là sản lượng cá tra. Ảnh: Tép Bạc

Về sản lượng thủy sản Việt Nam từ năm 2015 – 2022  tăng từ 6,56 triệu tấn năm 2015 lên 9,05 triệu tấn năm 2022 (tăng 38%), trong đó, sản lượng NTTS chiếm 57%, khai thác chiếm 43%. Cụ thể, từ 2015 - 2022, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam tăng từ 3,53 triệu tấn lên 5,19 triệu tấn, tăng 47%.

Nuôi trồng thủy sản phục vụ cho xuất khẩu tập trung chủ yếu ở ĐBSCL (chiếm 95% tổng sản lượng cá tra và 80% sản lượng tôm).  

Theo đó, sản lượng khai thác thủy sản của Việt Nam từ 3 triệu tấn tăng lên 3,86 triệu tấn, tăng 29%. Xuất khẩu thủy sản cũng tăng gấp 13 lần từ giai đoạn 1998 đạt 817 triệu USD lên 11 tỷ USD vào năm 2022. 

Hướng phát triển của ngành thủy sản

Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2045 là phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học - công nghệ tiên tiến, có vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển. Nỗ lực phát triển thủy sản theo hướng xanh, bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo vấn đề an ninh lương thực.

Tôm thẻThủy sản nuôi sẽ chiếm khoảng 59% tiêu thụ và khoảng 36% sản lượng thủy sản sẽ được xuất khẩu vào năm 2030. Ảnh: Tép Bạc

Dự báo đến năm 2030, nhu cầu tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm sẽ tăng 18% so với năm 2018. Thủy sản nuôi sẽ chiếm khoảng 59% tiêu thụ và khoảng 36% sản lượng thủy sản sẽ được xuất khẩu vào năm 2030. Đây là cơ hội cho ngành thủy sản của Việt Nam mở rộng hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng đi kèm với những rủi ro về sản xuất không bền vững, gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học.  

Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phê duyệt vào tháng 7/2022. Nhấn mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản được nghiên cứu, áp dụng và từng bước được nhân rộng.

Phấn đấu đến năm 2030 nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát. Chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học... 

Hiện nay, các tỉnh ven biển cũng ra sức đẩy mạnh cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng "xanh hóa", giảm lượng khai thác để bảo tồn, đồng thời tăng nuôi thả để tăng cường nguồn lợi thủy sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững toàn ngành. 

Nhất Linh  @nhat-linh

Nguồn : Tép Bạc