Hotline: 028 363 66 229

Chủ động nguyên liệu sạch cho xuất khẩu

Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh gặp không ít khó khăn. Tại cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giữa lãnh đạo tỉnh với Hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản, các DN đề xuất nhiều vấn đề cần thực hiện thời gian tới nhằm chủ động nguồn nguyên liệu xuất khẩu đối với hàng rào kỹ thuật rất khắt khe khi Việt Nam gia nhập EVFTA.

    Đề xuất vùng nuôi tập trung cho DN xuất khẩu  

    Theo ông Huỳnh Thanh Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ thuỷ sản Cà Mau (CASES), hiện nay DN xuất khẩu thuỷ sản tốc độ phát triển chậm lại và rất nhiều DN khó khăn. Đầu năm các DN bị động do dịch bệnh, không định hướng được thị trường sắp tới nên không chủ động được hoạt động sản xuất, kinh doanh mà lệ thuộc hoàn toàn vào dịch. Nếu dịch bệnh còn kéo dài thì sắp tới DN sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

    Ông Huỳnh Thanh Tân nhận định: "Tất cả DN trong tỉnh đều khó khăn so với các tỉnh khác, trong khi các tỉnh khác như Sóc Trăng, có bước phát triển lớn. Lý giải điều này, ông Tân cho rằng, do tỉnh Sóc Trăng chú trọng chế biến, vùng nuôi của Sóc Trăng hiệu quả cao. Vì vậy, làm sao tạo điều kiện để DN xuất khẩu thuỷ sản trong tỉnh có được vùng nuôi đảm bảo nguồn nguyên liệu, Cà Mau cần kêu gọi các DN lớn đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp".

     

    Việt Nam gia nhập EVFTA có nhiều thuận lợi khi lãi suất, thuế suất giảm, tuy thuận lợi về mặt hàng rào thuế quan nhưng hàng rào kỹ thuật rất khó khăn. Ông Nguyễn Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Năm Căn, nhận định: "Đã qua chưa có DN nào chết vì hàng rào thuế quan, nhưng hầu hết bị chết hàng rào kỹ thuật, vì hàng rào kỹ thuật áp dụng tuỳ theo điều kiện, nhu cầu của phía nhập khẩu. Do vậy, đã có nhiều DN rút lui khỏi danh sách xuất khẩu".

    Để kiểm soát vấn đề kháng sinh phải bắt đầu từ việc kiểm soát cải tạo ao đầm, thức ăn. Do vậy, DN cần chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu, muốn vậy DN phải có vùng nuôi.

    Tôm nuôi siêu thâm canh và quảng canh cải tiến ít thay nước của CĐCS Trung tâm Khuyến nông được nhiều nông dân tham quan, học hỏi.

     

    Theo ông Nguyễn Minh Hiển, EVFTA là cuộc chơi của những ông lớn, đối với những DN nhỏ nếu không tự chuyển mình và không được hỗ trợ của chính quyền địa phương từ cấp vùng nuôi, quy hoạch thuỷ lợi để có nguồn nước đảm bảo, để có thể quy hoạch nuôi có năng suất tốt, không có dịch bệnh thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

    Một vấn đề mà ông Hiển trăn trở là hiện nay giá thành thức ăn tôm trong nước cao hơn nước ngoài nên một số DN đã nhập khẩu nguyên liệu.

    Vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu được Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, tình hình sản xuất nguyên liệu trong tỉnh từ đầu năm đến nay tuy có giai đoạn khan hiếm, nhưng đến thời điểm hiện tại nhìn chung không hiếm. Theo kế hoạch, sản lượng tôm nuôi năm 2020 đạt 190.000 tấn, đến hết tháng 9 đạt 143.000 tấn, dự kiến cả năm đạt sản lượng chỉ tiêu giao. Giá tôm có giảm nhưng không giảm sâu. Ông Bằng dự kiến, thị trường tôm xuất khẩu từ nay đến cuối năm có nhiều khả quan, do ảnh hưởng dịch bệnh nên một số nước sản xuất tôm gặp khó khăn, tuy nhiên Việt Nam khá ổn.

     

    Vùng nuôi tập trung cần tháo gỡ khó khăn

    Theo ông Bằng, việc xây dựng vùng nguyên liệu là định hướng mà ngành nông nghiệp đang nỗ lực thực hiện thời gian qua, trong hiện tại và tiếp tục thực hiện tốt thời gian tới, vì nếu nguyên liệu sản xuất như trước đây thì không vào thị trường được. Ông Bằng cho biết, đã qua tỉnh Cà Mau làm tương đối tốt việc liên kết sản xuất tôm - rừng. Còn lại khoảng 8.000 ha tôm thâm canh, trong khi tôm quảng canh truyền thống trên 200.000 ha nuôi rời rạc, tôm thâm canh rải rác…

    Hiện ngành nông nghiệp đang cấp mã số vùng nuôi theo Nghị định 26/2019, nhưng đang vướng về thủ tục đất (Cà Mau phần lớn đất nuôi trồng thuỷ sản, nhưng trước đây cấp sổ đỏ là đất sản xuất nông nghiệp) người dân không đi đổi lại thành đất nuôi trồng thuỷ sản nên khi làm hồ sơ thì không đúng. Đối với đất rừng thì không thể chuyển, còn lại đất 1 vụ lúa 1 vụ tôm nhưng trên sổ đỏ vẫn là đất lúa. Thêm cái khó nữa, nếu không cấp mã số cho ao nuôi, vùng nuôi thì không truy xuất được nguồn gốc, đây là trở ngại trong xây dựng vùng nuôi được chứng nhận cũng như truy xuất nguồn gốc để xuất hàng ra thị trường mà tỉnh Cà Mau đang gặp phải.

    Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, nếu DN tổ chức được vùng nuôi riêng (sản xuất tôm giống, sản xuất được thức ăn rồi tổ chức chế biến, xuất khẩu) thì sẽ dễ dàng nhưng không nhiều DN đủ điều kiện có thể làm được, vì vậy, phải liên kết trong sản xuất, liên kết với nông dân. Việc quy hoạch, tổ chức sản xuất nguyên liệu là vấn đề cơ bản, cũng là vấn đề khó của ngành nông nghiệp thời gian qua. Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát, quan tâm việc quy hoạch sản xuất lại ngành nông nghiệp nói chung, quy hoạch sản xuất thuỷ sản nói riêng, trong đó có quy hoạch nuôi tôm trong tổng thể phát triển quy hoạch thời gian tới. Đồng thời, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển bền vững ngành tôm của tỉnh. Đã qua, tỉnh gặp khó khăn trong việc xây dựng, trình và phê duyệt đề án này, tỉnh mong muốn Chính phủ phê duyệt cho tỉnh thực hiện đề án từ năm 2016, tuy nhiên đến giờ Trung ương khẳng định đề án này do tỉnh Cà Mau phê duyệt nên để tranh thủ nguồn vốn đầu tư cho đề án, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với Sở KH&ĐT cùng các sở, ngành có liên quan đưa danh mục đầu tư ưu tiên của đề án vào đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để bổ sung trình Bộ NN&PTNT./.

    Hồng Phượng

    Nguồn: Báo Cà Mau