Hotline: 028 363 66 229

Chất lượng ao nuôi tôm bị suy giảm do đâu?

Yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng ao nuôi tôm

Có hai yếu tố chính ảnh hưởng đến chất lượng ao nuôi tôm. Đó chính là yếu tố thủy lý và yếu tố thủy hóa.

Yếu tố thủy lý (Nhiệt độ, độ trong của nước)

– Đối với nhiệt độ: Đây được xem là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến sức khỏe của con tôm. Bởi một khi nhiệt có sự thay đổi, tôm sẽ bị sốc nhiệt và yếu dần đi. Đặc biệt, hiện nay nắng nóng kéo dài khiến tôm chết hàng loạt tại nhiều tỉnh miền Trung nước ta. Hơn nữa, còn hình thành nên các loại dịch bệnh, gây ra tổn thất nặng nề cho bà con nuôi tôm.

Không những thế, con tôm sẽ thay đổi thân nhiệt, quá trình trao đổi chất sẽ khiến tôm ăn nhiều hơn. Nhưng với lượng men trong cơ thể có hạn, thức ăn sẽ không được hấp thụ hết. Dẫn đến chi phí thức ăn tăng cao mà tôm không tăng trưởng, người nông nhân không thu được lợi nhuận. Nhiệt độ lý tưởng để tôm sinh trưởng tốt nên dao động từ 20 – 30 độ C.

– Độ trong của nước: Chất lượng ao nuôi tôm suy giảm còn do độ đục trong của nước. Bởi khi nước trong hay đục, phản ánh được quần thể vi sinh, bao gồm tảo và vi khuẩn. Hai loại này không chỉ là thức ăn mà còn là nguồn cung cấp tiêu thụ oxy.

Khi quan sát độ trong của nước, người nuôi sẽ xác định độ dinh dưỡng của nước. nếu nước quá trong phản ánh tình trạng dinh dưỡng quá nghèo, ngược lại nếu nước quá đục, phản ánh hiện tượng phì nhưỡng, gây ra vấn đề thiếu oxy. Chính vì vậy, đó là lý do bà con nên cân bằng lượng tảo trong ao.

Độ trong thích hợp của nước là từ 30 – 35cm.

Yếu tố thủy hóa (Độ pH, độ hòa tan và muối dinh dưỡng)

– Độ pH: Độ pH là một trong những chỉ số quan trọng phản ánh lớn đến sức khỏe của con tôm. Chúng bị ảnh hưởng bởi yếu tố: Nhiệt độ, thời tiết, lượng tảo,… Do đó, để tránh thiệt hại của vụ tôm, người nuôi tôm cần quan tâm đến độ pH trong ao nuôi. Bởi vì nếu pH quá cao thi NH3 trong nước tăng. Ngược lại, nếu pH thấp, tạo điều kiện để khí H2S sản sinh. Đây là 2 loại khí gây nguy hiểm cho tôm, khiến tôm chết hàng loạt.

Ngoài ra, tôm lột xác còn liên quan mật thiết đến độ pH. Làm vỏ tôm cứng, tôm chậm phát triển, suy giảm hệ miễn dịch khiến mầm bệnh dễ tấn công. Chính vì vậy, độ pH lý tưởng nằm ở khung từ 7.5 – 8.5 và mức dao động trong ngày không nên quá 0.5.

– Độ hòa tan: Oxy hòa tan trong nước chính là nguồn sống của tôm. Dưỡng khí cần thiết cho quá trình hô hấp không chỉ riêng với tôm mà còn các vi sinh vật khác trong ao nuôi. Môi một giai đoạn phát triển của tôm, cần độ hòa tan oxy khác nhau. nếu ít hơn 5mg/l sẽ khiến tôm ít ăn, tăng trưởng chậm, ảnh hưởng đến quá trình lột xác. Tình trạng này kéo dài thì tôm sẽ rất dễ mắc bệnh.

– Muối dinh dưỡng: Một số loại muối như KCL, MgCL2, MgSO4,… nếu được hỗ trợ phù hợp sẽ giúp tôm phát triển tốt, mang lại mùa vụ bội thu cho người nông dân. Độ mặn ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển và duy trì chức năng sinh lý, cũng như khả năng miễn dịch ở tôm.

Một khi độ mặn quá thấp các ion Ca2+, Mg2+, Na+… trong nước cũng sẽ có hàm lượng thấp. Ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm: Lột xác không đồng đều, mềm vỏ sau khi lột, tăng tỷ lệ hao hụt gấp nhiều lần dẫn đến tôm bị suy giảm chức năng đề kháng.

Một số giải pháp cải thiện chất lượng ao nuôi tôm

Để cải thiện và kiểm soát chất lượng ao nuôi tôm trong suốt vụ tôm. Sau đây, là một số khuyến cáo gửi đến bà con nông dân:

– Đối với ao đang nuôi, nên duy trì mực nước trên 1m. Thường xuyên kiểm tra các thông số chất lượng như như độ pH, NH3, NO2, độ mặn, độ kiềm. Quản lý lượng thức ăn cho tôm mỗi ngày. Đảm bảo bình quân mỗi ngày tôm không bị thừa hoặc thiếu thức ăn và cũng không có khí độc trong ao.

– Theo dõi thời tiết, nhất là lúc bị biến đổi đổi ngọt, quá nóng hoặc mưa nhiều. Đề phòng sức khỏe trên con tôm, bởi tôm rất dễ bị sốc nhiệt.

– Khi lấy nước vào ao, cần đảm bảo theo đúng quy trình. Sử dụng vôi để bổ sung độ pH và độ kiềm trong khoảng từ 120 – 180 mg/l.

– Xử lý mầm bệnh, diệt khuẩn trong ao, giảm chất rắn lơ lửng bằng cách sử dụng ao lắng. Đặc biệt, chỉ sử dụng hóa chất được cho phép trong nuôi trồng thủy sản. Hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, đảm bảo chất lượng nước phù hợp khi đưa vào ao nuôi.

– Bổ sung men tiêu hóa, men đường ruột, tăng cường đề kháng cho tôm khi thời tiết thay đổi.

– Trong suốt quá trình nuôi, cần bổ sung định kỳ các chế phẩm sinh học để xử lý nước và xử lý khí độc.

Có thể thấy, vấn đề chất lượng ao nuôi tôm bị suy giảm ảnh hưởng lớn đến năng suất và lợi nhuận nuôi tôm. Đây cũng chính là nỗi trăn trở của người nông dân trong mỗi vụ nuôi. Hy vọng, với các nguyên nhân mà bài viết đã đưa ra cùng với giải pháp, có thể hỗ trợ bà con xử lý vấn đề chất lượng ao được tốt hơn.

Hòa Thy

Nguồn: Tép Bạc