Hotline: 028 363 66 229

Bình Định: Hướng dẫn cách tăng cường phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi

Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có những đợt không khí lạnh tăng cường từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 dương lịch, gây mưa to đến rất to làm ảnh hưởng lớn đến tình hình nuôi tôm tại các huyện, thị xã ven biển.

Tính từ đầu vụ đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các địa phương thu 72 mẫu tôm và nước ao nuôi để kiểm tra, giám sát các bệnh nguy hiểm thường gặp. Tổng diện tích dịch bệnh trên tôm nuôi là 31,24 ha, trong đó đã phát hiện 12 mẫu nhiễm bệnh đốm trắng với diện tích 0,68 ha tại Mỹ Thành, Phù Mỹ; bệnh hoại tử gan tụy cấp là 0,56 ha tại Hoài Nhơn và Quy Nhơn; bệnh do môi trường là 30 ha tại huyện Tuy Phước.

Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên là do một số hộ nuôi thả ngoài lịch mùa vụ (tháng 01/2022 dương lịch) gặp thời tiết không thuận lợi, môi trường biến động, sức đề kháng tôm suy giảm và là điều kiện dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt là 30 ha bệnh môi trường tại huyện Tuy Phước là do ảnh hưởng thời tiết bất thường, mưa lớn, gây ra sự biến đổi các yếu tố môi trường rất lớn.

 

kiểm tra tôm
Kiểm tra tình hình nuôi tôm tại huyện Phù Mỹ. Ảnh: NTN

 

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, người nuôi cần có các biện pháp phòng bệnh thích hợp. Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cũng đã hướng dẫn hộ nuôi tôm tại các địa phương ven biển (TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát và TX Hoài Nhơn) triển khai các biện pháp quản lý sức khỏe tôm nuôi và môi trường để nhằm hạn chế tối thiểu dịch bệnh xảy ra:

- Chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, hàng ngày kiểm tra chặt chẽ môi trường ao nuôi, thời tiết mùa này thường xuất hiện những cơn mưa giông bất thường sẽ làm thay đổi đột ngột các thông số: pH, nhiệt độ, Ôxy, độ mặn, độ kiềm, nhiệt độ,…

- Con giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng, thả giống đúng Lịch thời vụ và khi điều kiện thời tiết thích hợp.

- Cần chủ động nguồn nước cấp đã qua xử lý, bổ sung nước vào ao nuôi khi cần thiết, khắc phục hiện tượng phân tầng nước do mưa lớn

- Định kỳ sát trùng nước ao nuôi (có thể dùng Sodium Chlorine 20% với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất) để tiêu diệt mầm bệnh, đồng thời giảm sự phát triển của tảo đối với những ao có mật độ tảo cao, tạo môi trường sạch và ổn định cho tôm sinh sống và phát triển.

- Định kỳ sử dụng các loại chế phẩm sinh học, khoáng chất để xử lý nước và đáy ao nuôi, tạo hệ vi khuẩn có lợi, lấn át vi khuẩn có hại phát triển. Đối với ao nuôi lót bạt, định kỳ xi phông nền đáy ao nhằm giảm lượng mùn bã hữu cơ trong ao, hạn chế sinh ra các khí độc ảnh hưởng đến tôm nuôi.

- Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn thông qua kiểm tra sàng, hoặc lặn đáy, đánh giá tỷ lệ sống để ước lượng thức ăn phù hợp, tránh tồn đọng gây ô nhiễm môi trường ao nuôi, tuyệt đối không cho ăn khi trời mưa to hay nhiệt độ cao trên 320C, tăng lượng thức ăn khi trời mát.

- Sử dụng men tiêu hóa, Vitamin C và khoáng chất trộn vào thức ăn cho tôm, tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ.

- Tăng cường sục khí ao nuôi để hàm lượng ôxy được cung cấp đủ ở mọi tầng nước.

- Thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm nuôi, khi tôm nuôi có dấu hiệu bất thường, người nuôi cần báo ngay cơ quan chức năng địa phương (cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã), Trung tâm DVNN huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp kiểm tra, lấy mẫu, xét nghiệm bệnh. Trong thời gian chờ kết quả, không xả thải nước ao đang bị bệnh ra môi trường để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

- Đối với ao tôm bị bệnh, quy trình xử lý thực hiện theo Hướng dẫn ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016, quy định về phòng chống dịch bệnh thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

Theo Tép Bạc