Hotline: 028 363 66 229

5 cách quản lý chất lượng nước

Chất lượng nước là yếu tố cực kỳ quan trọng trong nuôi tôm. Chất lượng nguồn nước tốt thì tôm mới phát triển khỏe mạnh, giảm các nguy cơ bệnh tật và cho năng suất cao.

Duy trì các yếu tố ở ngưỡng thích hợp

Nhiệt độ: Nhiệt độ nước ao nuôi có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và sinh trưởng của tôm. Đối với tôm sú, mức nhiệt độ tối ưu là 28 - 30oC. Còn mức nhiệt phù hợp với TTCT là 25 - 30oC.

Ôxy hòa tan (DO): Lượng DO thích hợp từ 4 mg/l trở lên. Để đảm bảo luôn cung cấp đủ ôxy cho tôm hô hấp, người nuôi cần lắp đặt đầy đủ hệ thống quạt nước cho ao nuôi. Ngoài ra, không nên bón thừa phân hoặc thừa nhiều thức ăn để hạn chế sự phát triển của tảo. Tảo phát triển nhiều trong ao nuôi sẽ dễ gây thiếu ôxy.

Độ mặn: Độ mặn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm cũng như chất lượng nước trong ao. Đối với TTCT độ mặn tốt nhất là 10 - 15‰, với tôm sú độ mặn thích hợp là 8 - 20‰.

Độ trong: Độ trong thích hợp trong các ao nuôi tôm dao động 30 - 45 cm. Nếu độ trong quá cao, cần kết hợp kiểm tra pH. Nếu pH thấp, người nuôi cần kết hợp bón thêm vôi, phân hoặc sử dụng hóa chất gây màu để tăng thêm chất dinh dưỡng trong nước. Ngược lại, nếu độ trong thấp (nước có màu đục), người nuôi có thể thay nước hoặc sử dụng các loại muối vô cơ như Al2(SO4)3 để cải thiện.

Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước ao để có biện pháp xử lý kịp thời. Ảnh: Thefishite

pH: pH phù hợp nằm trong khoảng 7,5 - 8,5. Nên kiểm tra pH vào lúc 6 giờ sáng và 2 giờ chiều mỗi ngày để biết được độ dao động. Nếu pH quá cao (trên 9), có thể dùng axit acetic để giảm xuống. Trường hợp pH thấp có thể sử dụng CaO theo định lượng 7 - 10 kg/1.000 m3 để cải thiện.

Độ kiềm: Mức kiềm phù hợp trong ao nuôi là 80 - 120 mg CaCO3/l. Cần kiểm tra độ kiềm 1 lần/tuần để bổ sung vôi kịp thời, nhất là trong giai đoạn tôm lột xác.

NH3: Hàm lượng NH3 trong nước phải nhỏ hơn 0,1 mg/l, giới hạn tối đa là 0,3 mg/l. Đây là loại khí độc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm nuôi. Vì vậy cần phải chú trọng và kiểm tra nồng độ NH3 trong nước thường xuyên. Khí NH3 liên quan mật thiết với pH. Nếu pH cao thì nồng độ NH3 cũng cao và ngược lại. Do đó, việc theo dõi và cải thiện pH kịp thời và chính xác là cần thiết.

H2S: Giống với NH3, H2S cũng là một loại khí độc gây hại cho ao nuôi tôm. Hàm lượng H2S trong ao nuôi phải nhỏ hơn 0,01 mg/l để đảm bảo môi trường sống an toàn cho tôm.

Thường xuyên kiểm tra

Nhằm đảm bảo các thông số luôn đạt mức tối ưu, việc kiểm tra các thông số chất lượng nước nên được thực hiện đều đặn mỗi ngày. Kiểm tra thường xuyên sẽ giúp người nuôi phát hiện những biến đổi kịp thời và khắc phục nhanh chóng. Các thông số như nhiệt độ, pH, ôxy hòa tan, độ trong, độ sâu, màu nước: theo dõi và đo 2 lần/ngày vào lúc 5 - 6 giờ sáng và 2 - 3 giờ chiều. Các thông số khác như NH3, H2S, độ kiềm, độ mặn cần định kỳ đo 2 lần/tháng, đồng thời kiểm tra đột xuất khi tôm có dấu hiệu bất thường, giá trị pH trong ngày biến động mạnh.

Kiểm soát tảo

Tảo được xem là tác nhân gây màu nước, làm giàu ôxy và giúp cân bằng hệ sinh thái của ao nuôi. Nhưng nếu sự phát triển của tảo vượt quá giới hạn sẽ gây biến động môi trường nước, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm. Trong những trường hợp với những nhóm tảo như tảo giáp, tảo lục… nếu xuất hiện trong ruột của TTCT sẽ khiến tôm khó tiêu hóa do vách tế bào tôm rất cứng, gây tắc nghẽn đường ruột, phân bị đứt khúc. Trong nước nuôi tôm, hàm lượng phốt pho và tảo cần được kiểm soát thường xuyên và duy trì ở mức ổn định. Khi cho tôm ăn, lượng thức ăn thừa hoặc các chất dinh dưỡng mà tôm không hấp thụ được bài tiết ra bên ngoài sẽ làm gia tăng hàm lượng phốt pho và nitơ trong nước. Kéo theo số lượng tảo gia tăng không ngừng, có thể dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa, gây nguy hại đến sức khỏe của tôm. Khi gặp phải trường hợp này, người nuôi có thể tăng tỷ lệ trao đổi nước để làm tránh các tác hại xấu có thể xảy ra.

Thay nước

Thay nước ao nuôi tôm thường xuyên là cách hiệu quả để tránh sự tích tụ quá mức của amoniac trong nước. Nhờ đó giúp tôm khỏe mạnh hơn, không bị bệnh hay ảnh hưởng bởi các biến động chu kỳ.  Lưu ý, đối với người nuôi tôm trong ao đất, trước ngày nuôi 30 - 40 ngày, không nên thay nước để đảm bảo chất lượng nước ổn định. Ngoài ra, hàng ngày chỉ nên thay đổi khoảng 10 - 30% lượng nước và tăng dần lên khi lượng thức ăn đầu vào tăng. Đối với ao nuôi tôm lót bạt, mỗi ngày có thể thay 40 - 50% lượng nước. Nếu hàm lượng amoniac tăng cao, cũng có thể tăng tỷ lệ trao đổi nước phù hợp để hạ xuống hiệu quả. Tuy nhiên, thay nước nuôi tôm thường xuyên sẽ khiến người nuôi lo ngại vì có thể làm cho ao tôm dễ bị các nguồn bệnh từ bên ngoài xâm nhập. Do đó, khâu quản lý nguồn nước hết sức quan trọng. Để giải quyết vấn đề này, cấp thiết người nuôi cần có ao lắng để xử lý nước cẩn thận trước khi đưa vào ao nuôi.

Duy trì hàm lượng ion ở mức cân bằng

Trong công tác quản lý chất lượng ao nuôi tôm, duy trì hàm lượng ion đóng vai trò hết sức quan trọng. Hàm lượng ion trong nước ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng của tôm, đặc biệt là trong giai đoạn lột xác, hình thành vỏ mới. Tỷ lệ Natri (Na) với Kali (K), Magie (Mg) với Canxi (Ca) cần được kiểm tra thường xuyên và duy trì ở mức cân bằng. Tỷ lệ khuyên dùng là 28:1 (đối với Na:K) và 3,4:1 (đối với Mg:Ca). Tuy nhiên tùy theo điều kiện thực tế mà tỷ lệ này sẽ có sự thay đổi. Do vậy, người nuôi có thể linh hoạt cung cấp thêm các khoáng chất hay natri clorua, magie clorua… cho ao nuôi trong trường hợp bị mất cân bằng ion.

>> Người nuôi nên có kế hoạch khắc phục sự cố trước để xử lý kịp thời khi chất lượng nước biến động xấu. Trong kế hoạch này cần mô tả chi tiết các biện pháp giải quyết bất kỳ vấn đề nào xảy ra. Với việc giám sát thường xuyên, kết hợp với một kế hoạch khắc phục có sẵn, vấn đề sẽ được giải quyết sớm hơn.  

Nguyễn Hằng

Nguồn: contom.vn