"Thả đâu, chết đó", người dân ôm nợ vì nuôi tôm
Phần lớn hồ nuôi của anh Hồ Văn Ngọc vẫn đang bỏ không
Sau nhiều vụ tôm thất bát, một số hộ đã phải bán đất đai, vay mượn tiền để duy trì nghề với hy vọng sẽ gỡ gạc được thua lỗ.
Vụ tôm năm 2023, anh Mai Văn Ngọc (xã Phổ Minh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) dè dặt thả giống, vừa thả vừa thăm chừng dịch bệnh.
Sở hữu 10 hồ nuôi với tổng diện tích 1,5 hecta, nhưng hiện anh Ngọc chỉ thả ở 2 hồ với mật độ thưa hơn hẳn trước kia. Các hồ còn lại đều nằm trong tình trạng bỏ không, phủ đầy rong rêu.
“Năm ngoái thả nuôi 2 vụ thì cả 2 vụ tôm đều bị đỏ thân, chết hàng loạt khi mới thả giống chừng 20 ngày. Năm nay không dám thả hết 10 hồ, sợ tôm lại dịch bệnh”- anh Ngọc cho hay.
Niên vụ tôm 2023 đã bắt đầu hơn 2 tháng, nhưng khung cảnh tại vùng nuôi tôm trên địa bàn phường Phổ Minh (thị xã Đức Phổ) vẫn khá ảm đạm, đìu hiu. Phần lớn các hồ vẫn im lìm, chưa được dọn dẹp, khử khuẩn... để bước vào vụ nuôi mới.
Theo tìm hiểu, từ năm 2020 đến nay, nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở phường Phổ Minh liên tiếp tổn thất nặng nề. Tôm bị đủ thứ dịch bệnh, từ đỏ thân đến đến gan tụy nên cứ thả đâu là chết đó.
Dịch bệnh gây tổn thất nặng nề khiến nhiều người không dám thả nuôi tôm vụ mới
Năm 2022, anh Mai Văn Thành là người có diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh nhiều nhất phường Phổ Minh với 3 hecta bị thiệt hại. Năm nay, đến giờ này, anh Thành vẫn chưa thả nuôi vụ mới.
"Gần cả tỷ đồng đổ vào tôm đều mất hết, tôi chưa biết phải bắt đầu lại vụ mới như thế nào. Bao nhiêu năm nuôi tôm thẻ chân trắng, chưa bao giờ gặp phải dịch bệnh nghiêm trọng như thế này”- anh Thành thở dài.
Hiện tại, anh Thành chỉ tính đến việc vệ sinh, dọn dẹp một vài hồ, rồi gom góp mua ít con giống để thả nuôi thử, không dám thả nuôi hết 15 hồ như năm trước.
Trong khi đó, tại phường Phổ Quang (thị xã Đức Phổ), người dân cũng đang chuyển dần sang nuôi ốc hương sau nhiều năm thua lỗ vì tôm nuôi gặp dịch bệnh.
Ông Huỳnh Văn Nhiệm (phường Phổ Văn, thị xã Đức Phổ) nuôi tôm trên cát ở vùng ven biển Phổ Quang từ năm 2005. Nhờ tôm, ông Nhiệm kiếm được thu nhập khá để nuôi gia đình. Nhưng liên tục trong 2 năm 2020 và 2021, tôm gặp dịch bệnh, chết hàng loạt, ông Nhiệm mất trắng gần 2 tỷ đồng.
"Không thể tiếp tục gồng gánh thua lỗ với con tôm được nữa, từ năm 2022 đến nay, tôi chuyển sang nuôi ốc hương. Sau khi thả nuôi ốc hương vụ thứ 2, tôi thấy mô hình ốc hương có triển vọng, chưa xuất hiện dịch bệnh hàng loạt như ở tôm. Chỉ có điều, chi phí con giống và thức ăn nuôi ốc hương khá lớn”- ông Nhiệm chia sẻ.
Dù vậy, ông Nhiệm cũng không tránh khỏi lo lắng khi đầu vụ năm nay, một số ao nuôi ốc hương trên địa bàn phường đã có dấu hiệu mắc bệnh sưng vòi.
“Nói chung, chất lượng nguồn nước không còn được như trước, nên nghề nuôi thủy sản ven biển rất bấp bênh và rủi ro"- ông Nhiệm nói.
Dịch bệnh bủa vây đang gây khó cho người nuôi tôm
Theo thống kê của chính quyền địa phương, hiện phường Phổ Quang có khoảng 30 hecta nuôi tôm trên cát. Trước tình hình dịch bệnh trên con tôm ngày càng diễn biến phức tạp, từ năm 2022, một vài hộ nuôi tôm trên cát đã chuyển đổi sang nuôi ốc hương.
“Năm 2023, trên 30 hộ dân đồng loạt chuyển từ nuôi tôm trên cát sang nuôi ốc hương, với tổng diện tích khoảng 17 hecta. Phần diện tích còn lại, người dân đang tạm thời bỏ hoang vì nuôi tôm không hiệu quả”- Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Quang Huỳnh Xuân Bình cho hay.
Hà Phương
Nguồn: Báo kinh tế và đô thị.